Ngày 1/4/2021, Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI).
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau đợt tiếp nhận này, dự kiến 3.364.800 liều vaccine sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vaccine sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.
Thời điểm lịch sử
Tại buổi lễ, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định: Bạn bè năm châu đều trân trọng và tán dương sự thành công của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Trong khi các quốc gia khác vật lộn, hành động chậm chạp hoặc thậm chí không có hành động, Việt Nam đã phản ứng dứt khoát và kết quả là cuộc sống của người dân hầu như không bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, hệ thống y tế không sụp đổ...
[Hơn 811.000 liều vaccine của COVAX Facillity đã về tới Việt Nam]
Ông Kamal Malhotra chỉ rõ: “Không quốc gia nào là an toàn cho đến ngày thế giới sạch bóng COVID-19. Không quốc gia nào có thể đơn độc đánh bại thế lực này, tái mở cửa hoàn toàn hay chứng kiến kinh tế phát triển rực rỡ. Một quốc gia chỉ có thể hồi phục khi toàn bộ các quốc gia khác đạt miễn dịch cộng đồng do 75-80% dân số đã được tiêm chủng."
Theo đại diện của WHO, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là với sự lây lan của các biến chủng của virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới.
Bên cạnh mục tiêu chính và kỳ vọng mở cửa phát triển kinh tế trở lại thì đây là thời điểm lịch sử cho một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, phức tạp nhất và chưa từng có đang được tiến hành trên toàn cầu.
Tính đến ngày hôm nay, chỉ 5 tuần sau đợt cung cấp đầu tiên, COVAX đã vận chuyển 33 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến 73 quốc gia đủ điều kiện.
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh WHO cùng Chính phủ Việt Nam đạt được dấu mốc quan trọng này trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết toàn cầu và nhiều quốc gia và các đối tác đã hợp tác với nhau để mang lại lợi ích quan trọng cho sức khỏe cộng đồng.
"Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vaccine của COVAX về nước. Tôi đã thấy được sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận vaccine, từ việc xác định các nhóm ưu tiên, tập huấn cho nhân viên y tế, thu xếp hệ thống vận chuyển phân phối vaccine đến các tỉnh và thông tin đầy đủ cho công chúng,” ông Kidong Park nhấn mạnh.
Theo vị đại diện của WHO, có vaccine phòng COVID-19 đồng nghĩa với việc nhiều nhân viên tuyến đầu và những người có nguy cơ cao có thể được tiêm phòng và được bảo vệ. WHO sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác để đảm bảo vaccine đến được tới những người cần nhất.
Vaccine do UNICEF mua và cung ứng thông qua COVAX Facility nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, dự kiến sẽ cung cấp đủ vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số.
Đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi
Điểm mấu chốt cho thành công của một chiến dịch tiêm chủng là phải đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất.
Để đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19, đặc biệt cho các nhóm ưu tiên, COVAX Facility đã được thành lập - bao gồm GAVI, CEPI, WHO và UNICEF. Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất cùng chung tay hợp tác với các chính phủ và các nhà sản xuất nhằm đảm bảo đây là thời điểm lịch sử quan trọng COVID-19 được cung cấp cho cả những quốc gia có thu nhập cao và những quốc gia thu nhập thấp.
Bà Rana Flowers - Đại diện UNICEF cảm ơn các quốc gia đã hào phóng ủng hộ tài chính cho COVAX Facility.
UNICEF đã và đang hợp tác cùng với Bộ Y tế Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch, đào tạo và truyền thông cũng như mua và cung cấp thêm bơm kim tiêm, hộp an toàn và tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine.
“Chỉ khi vaccine phòng COVID-19 được triển khai đến toàn thể người dân ở khắp mọi miền Việt Nam thì cuộc sống và nền kinh tế mới có thể trở lại bình thường, chúng ta mới có thể đảm bảo trẻ em không bị gián đoạn việc học tập, được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đây thực sự là một thời điểm tuyệt vời để tất cả chúng ta cùng chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam," bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đợt cung cấp vaccine đầu tiên do COVAX Facility hỗ trợ đến Việt Nam là một ưu điểm, tuy nhiên sẽ cần có thời gian để tiến hành tiêm chủng cho nhiều người dân. Vì vậy, trong lúc này, điều quan trọng nhất là mọi người phải tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ về sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách để giảm thiểu rủi ro lây lan virus.
Trong buổi lễ tiếp nhận vaccine tại Kho vaccine của Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chính phủ của nhiều quốc gia được ghi nhận vì những đóng góp tài chính hào phóng cho COVAX Facility để cung cấp và phân phối vaccine miễn phí đến 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Các chính phủ đóng góp vào công cuộc đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine bao gồm Australia, Áo, Bỉ, Butan, Canada, Colombia, Đan Mạch, Estonia, Ủy ban Châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Kuwait, Luxemburg, Monaco, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Qatar , Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó cũng có sự đóng góp của các công ty và tập đoàn tư nhân bao gồm Bill và Melinda Gates Foundation, Thristledown Foundation, Mastercard, TikTok, Shell, và các cá nhân.
WHO và UNICEF hỗ trợ Bộ Y tế của các nước xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng, đào tạo nhân viên y tế, theo dõi giám sát tiêm chủng và truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về tầm quan trọng của tiêm chủng./.
Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX, đặc biệt là WHO và UNICEF đã hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam trong các nỗ lực sẵn sàng và triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên toàn quốc, đặc biệt trong việc xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam đang được hưởng lợi từ Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng đối với vaccine COVID-19. Để có thể tiếp nhận vaccine thông qua Cơ chế COVAX, Việt Nam cần đáp ứng được một số điều kiện, bao gồm xác nhận việc hoàn thành các qui định cấp phép quốc gia liên quan đến cung ứng vaccine, thỏa thuận bồi thường, xây dựng kế hoạch tiêm chủng quốc gia, cũng như các yếu tố hậu cần khác như giấy phép nhập khẩu vaccine. |