COVAX cam kết cấp vắcxin cho 3% dân số nước nghèo trong nửa đầu năm

WHO dự định trong những tuần tới sẽ phê chuẩn một số vắcxin của các nhà sản xuất phương Tây và Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc tiêm phòng cho các nước nghèo.
Nghiên cứu vắcxin phòng COVID-19 tại trường đại học Oxford. (Ảnh: AP/TTXVN)

Ngày 29/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cơ chế chia sẻ vắcxin toàn cầu (COVAX) sẽ chuyển giao đủ liều vắcxin phòng bệnh COVID-19 để tiêm cho khoảng 3% người dân các nước có thu nhập thấp trong nửa đầu năm nay.

COVAX là cơ chế do WHO với liên minh vắcxin GAVI và nhiều tổ chức khác phối hợp thực hiện với mục tiêu giao ít nhất 2 tỷ liều vắcxin trên toàn thế giới trong năm nay.

Theo COVAX, 1,8 tỷ liều sẽ sẵn sàng cung cấp cho 92 nước nghèo, tương đương với việc 27% dân số các nước này sẽ được tiêm.

Hiện, COVAX đang nỗ lực để đảm bảo đủ số liều vắcxin nói trên do thiếu quỹ, cộng thêm nhiều vấn đề trong sản xuất và các thỏa thuận giữa các nước giàu với các hãng dược phẩm làm dấy lên lo ngại về nguy cơ phân phối vắcxin không công bằng.

Trả lời phỏng vấn báo giới, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO Diah Saminarsih cam kết 92 nước sẽ được nhận đủ vắcxin để tiêm cho 3% dân số trong nửa đầu năm nay. Bà Saminarsih nhấn mạnh: "WHO sẽ giữ lời hứa."

WHO đang đánh giá 11 loại vắcxin để sử dụng khẩn cấp.

Một số nước nghèo có năng lực quản lý hạn chế sẽ phụ thuộc vào việc cấp phép của WHO để thực hiện tiêm chủng.

WHO dự định trong những tuần tới sẽ phê chuẩn một số vắcxin của các nhà sản xuất phương Tây và Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc tiêm phòng cho các nước nghèo.

Đến nay, WHO chỉ cấp phép cho một loại vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 28/1, Liên minh châu Phi (AU) đã đạt được thỏa thuận mua thêm 400 triệu liều vắcxin của AstraZeneca, tiếp tục hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng cho 60% dân số châu lục trong vòng 3 năm tới.

Tiến sỹ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thuộc AU cho biết ngoài 270 triệu liều vắcxin đã được bảo đảm trước đó, AU sẽ nhận được 400 triệu liều mới từ Viện Serum Ấn Độ (SII) đều thuộc loại vắcxin do liên doanh AstraZeneca/Oxford sản xuất.

Vắcxin của AstraZeneca là lựa chọn có giá thành hợp lý và là một trong những loại phù hợp nhất với hệ thống y tế châu Phi, bởi loại vắcxin này không yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ cực thấp (-70 độ C) như vắcxin Pfizer/BioNTech.

Ngoài nỗ lực của AU, theo dự kiến, châu Phi sẽ nhận được khoảng 600 triệu liều vắcxin trong năm nay thông qua COVAX.

Africa CDC kỳ vọng sẽ tiêm chủng cho khoảng 30-35% người dân lục địa trong năm nay và phấn đấu đạt mức tiêm chủng 60% trong 2-3 năm tới để hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

[Hơn 85 nước nghèo không được tiếp cận rộng rãi với vắcxin COVID-19]

AU cho biết số lượng vắcxin mà AU tiếp nhận sẽ được phân bổ theo dân số các nước.

Mặc dù COVID-19 không gây ảnh hưởng nặng nề đến châu Phi như một số chuyên gia lo ngại trong thời kỳ đầu đại dịch bùng phát, nhưng tình trạng chênh lệch giàu nghèo, khó khăn về hậu cần vận chuyển và “chủ nghĩa dân tộc về vắcxin” của một số quốc gia giàu hơn có thể khiến lục địa nghèo nhất thế giới gặp khó khăn trong tiếp cận vắcxin.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tunis, Tunisia. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo Africa CDC, tính đến sáng ngày 29/1, châu Phi ghi nhận hơn 3,5 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 với khoảng 3 triệu người hồi phục (đạt tỷ lệ hơn 85%) và gần 89.000 trường hợp hợp tử vong.

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định năng lực sản xuất vắcxin của Ấn Độ là một trong những "tài sản" tốt nhất mà thế giới có hiện nay, đồng thời hoan nghênh New Delhi đã cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước trên thế giới để chống lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Phát biểu họp báo ngày 28/1, Tổng thư ký Guterres cũng bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ sở hữu tất cả những công cụ cần thiết để đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chiến dịch tiêm chủng toàn cầu trở nên khả thi khi thế giới chiến đấu với đại dịch.

Ông nhấn mạnh: "Ấn Độ đóng vai trò trọng yếu trong việc sản xuất thuốc generic (thuốc gốc), một yếu tố hết sức quan trọng của quá trình dân chủ hóa quyền tiếp cận dược phẩm trên toàn thế giới. Tôi cho rằng năng lực sản xuất của Ấn Độ là một trong những tài sản tốt nhất thế giới có hiện nay và tôi hy vọng thế giới hiểu rằng điều này cần phải được tận dụng một cách đầy đủ.”

Đến nay, Ấn Độ đã cung cấp hơn 6 triệu liều vắcxin COVID-19 cho 9 nước trong giai đoạn một theo sáng kiến "vắcxin Maitri" (vắcxin hữu nghị).

Việc xuất khẩu thương mại sang nhiều nước khác cũng đang được từng bước triển khai. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cung cấp 10 triệu liều vắcxin cho châu Phi và 1 triệu liều cho các nhân viên y tế của Liên hợp quốc.

New Delhi cũng khẳng định sẽ đóng góp dần cho cơ chế COVAX. Đây là một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng và bình đẳng vắcxin cho tất cả các quốc gia, bất kể với mức thu nhập nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục