Cốt lõi trong chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Trump

Các đồng minh và bè bạn của Mỹ trong khu vực châu Á bắt đầu hiểu rõ định hướng của Mỹ và chính sách chiến lược của Mỹ đối với họ chủ yếu chỉ là nhằm củng cố vị thế của Mỹ so với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, sau gần 2 năm, chính sách châu Á của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu định hình.

Ngoài nỗ lực của Washington nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, chính sách này chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, hay chính xác hơn là về những gì mà các quốc gia khác có thể làm để giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ khu vực với Trung Quốc.

Thực tế đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những sáng kiến mà Mỹ đang thúc đẩy hoặc triển khai tại châu Á.

Các đồng minh và bè bạn của Mỹ trong khu vực bắt đầu hiểu rõ định hướng của Mỹ và hiểu rằng chính sách chiến lược của Washington đối với họ chủ yếu chỉ là nhằm củng cố vị thế của Mỹ so với Trung Quốc, thay vì nhằm giải quyết các ưu tiên mà họ đưa ra. Vì vậy, khu vực đang có những phản ứng nhất định.

Chính sách Trung Quốc của Mỹ hiện nay rõ ràng là một sự kết hợp giữa các biện pháp kiềm chế và đối đầu. Chiến lược An ninh Quốc gia được Mỹ công bố vào tháng 12/2017 chỉ rõ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung là “cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa tư tưởng tự do và đàn áp của trật tự thế giới…

"Mỹ cũng gắn mác Trung Quốc là “cường quốc xét lại” đồng nghĩa với việc Washington cho rằng Bắc Kinh muốn thay đổi các quy định, các giá trị và nguyên tức hiện hành vốn xác định mối quan hệ giữa các quốc gia.

Đó là “trật tự quốc tế” mà Mỹ đã giúp dự lên và giờ là người dẫn đầu, một trật tự mà chính Mỹ có quyền phân xử và được hưởng lợi.

Quốc hội Mỹ sau đó cũng đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) xác định rõ Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh Mỹ và đề xuất một nỗ lực chống lại mối đe dọa này của “toàn bộ chính quyền.”

Người ta càng chắc chắn hơn về một chính sách cứng rắn trong đối phó với Trung Quốc của Mỹ sau tuyên bố ngày 4/10 của Phó Tổng thống Mike Pence, người nhấn mạnh “hoặc là họ, hoặc là chúng ta” trong bài phát biểu của mình.

Ông thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc và cho rằng “điều Trung Quốc muốn không gì khác là đánh bật Mỹ khỏi phía Tây Thái Bình Dương và tìm cách ngăn chúng ta hỗ trợ các đồng minh của mình.”

Để đối phó với “mối đe dọa” Trung Quốc, chiến lược chính thức của Mỹ là “tăng gấp đôi các cam kết đối với các mối quan hệ đồng minh và đối tác sẵn có, đồng thời mở rộng và củng cố quan hệ với các đối tác mới cùng chia sẻ quan điểm tôn trọng chủ quyền, thương mại công bằng và tương hỗ, cũng như ủng hộ thượng tôn pháp luật.”

Điều này có nghĩa Mỹ đang gia tăng áp lực yêu cầu các đồng minh và đối tác ủng hộ chính sách Trung Quốc mới có mang tính thù địch hơn.

[Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến xấu hơn]

Chiến lược của Mỹ được thể hiện qua tầm nhìn quy mô về cái gọi là “Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở.”

Những nguyên tắc cốt lõi của “Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” là tự do hàng hải, luật pháp, không bị áp bức, tôn trọng chủ quyền, đề cao các doanh nghiệp tư nhân và thị trường mở, đề cao chủ quyền của mọi quốc gia.

Mỹ cũng đang củng cố quan hệ quân sự và chính trị với Đài Loan (Trung Quốc), đề xuất và thúc đẩy việc làm mới nhóm “Bộ Tứ” - một thỏa thuận an ninh tiềm năng giữa 4 nền dân chủ lớn là Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ.

Đối với châu Á, sự hình thành của Bộ tứ là nhằm kiềm chế và hạn chế sức mạnh quân sự đang trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Mỹ đang tìm cách “củng cố năng lực hàng hải của Ấn Độ để quốc gia này trở thành một trụ cột an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.”

Dù đã được công bố từ trước khi Tổng thống Trump lên nắm quyền song sau đó Chiến lược An ninh Hàng hải châu Á Thái Bình Dương 2015 của Mỹ mới được hoàn thiện và trở thành chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Chiến lược nêu rõ Mỹ đang thúc đẩy các hoạt động quốc phòng tại Đông Nam Á, có ý định củng cố “năng lực quân sự để đảm bảo Mỹ có thể ngăn chặn thành công các xung độvà sức ép, cũng như ứng phó một cách quyết đoán trong trường hợp cần thiết.”

Để làm được điều này, Mỹ “đang làm việc cùng các đồng minh và đối tác từ Đông Bắc Á cho tới Ấn Độ Dương để củng cố năng lực của họ trong việc giải quyết các thách thức tiềm năng tại các vùng biển và trên khắp khu vực.”

Có thể ngầm hiểu rằng những nỗ lực kể trên trước hết là nhằm chống lại “mối đe dọa” Trung Quốc. Chiến lược đặc biệt cảnh báo rằng “chúng ta đang phải chứng kiến các quốc gia phát triển nhiều công nghệ mới nhằm chống lại lợi thế (đã có của Mỹ).”

Đó rõ ràng là một sự ám chỉ đối với chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận mà Trung Quốc triển khai để đẩy quân đội Mỹ khỏi các vùng biển lân cận trong trường hợp nảy sinh xung đột.

Các sáng kiến chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á và những đồng minh như Australia và Nhật Bản bắt nguồn từ chính sách kiềm chế và đối đầu với Trung Quốc.

Chúng bị chi phối bởi những gì mà các quốc gia này có thể làm để hỗ trợ Mỹ. Mỹ kêu gọi sự ủng hộ của họ đối với Chiến dịch Tự do Hàng hải thách thức các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông - hoặc thậm chí là khích lệ họ cũng thực hiện các chiến dịch tương tự.

Mỹ yêu cầu các quốc gia này cho phép sử dụng căn cứ hoặc “luân chuyển” quân đội cũng như khí tài trên lãnh thổ, hay ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ cùng các chiến dịch trong khu vực bằng cách cung cấp các điểm tiếp liệu cho máy bay thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc.

Đối với các đồng minh như Nhật Bản hay Australia, Mỹ muốn các quốc gia này cung cấp viện trợ quân sự và huấn luyện tới một số nước trọng yếu trong khu vực để củng cố khả năng hậu thuẫn Mỹ trong trường hợp cần thiết.

Quan trọng hơn, Mỹ muốn họ công khai ủng hộ lập trường chính trị và sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Thực tế đến nay, kết quả của những nỗ lực này mới chỉ rất nhạt nhòa và chưa rõ ràng.

Mỹ cũng đang có những biện pháp mạnh mẽ để chống lại sức mạnh mềm của Trung Quốc. Mỹ khó có thể bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế mà Trung Quốc có, quyền lực mềm của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào sự hấp dẫn của các giá trị kinh tế và chính trị, của các cam kết của đồng minh và đối tác đối với dân chủ, cũng như trật tự thế giới hiện hành do Mỹ lãnh đạo.

Vì vậy, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch thúc đẩy các giá trị này và công khai lên án các giá trị cũng như hành vi của Trung Quốc, cảnh báo các quốc gia khác về những ý định xấu xa của Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông.

Hơn thế nữa, Mỹ còn đẩy mạnh các nỗ lực “ngoại giao” để thuyết phục các nước Đông Nam Á ủng hộ chính sách của mình.

Điều trớ trêu là Mỹ càng cứng rắn với Trung Quốc và gia tăng áp lực đòi hỏi sự ủng hộ của các nước khu vực, “quyền lực mềm” của Mỹ càng phai nhạt dần.

“Các đồng minh và bè bạn” của Mỹ đặc biệt là tại Đông Nam Á không muốn chứng kiến sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới họ.

Lo ngại của các quốc gia khu vực là cuộc cạnh tranh giành quyền ảnh hưởng và thao túng về mặt quân sự tại đây sẽ tác động tới chính trường nội địa, và rất có thể Mỹ cùng Trung Quốc mỗi bên sẽ lại ủng hộ những lực lượng chính trị đối lập nhau. Điều này đã xảy ra trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xôviết, và điều này có thể tái diễn, đúng như câu nói của Thucydides: “Kẻ mạnh sẽ làm những gì họ có thể, và kẻ yếu sẽ là người chịu trận.”

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á đang nỗ lực hết sức để đảm bảo sự độc lập và an ninh của mình. Họ phải tìm cách cân bằng và khéo léo trong mối quan hệ với cả hai.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd từng nhận định: “Nhiều đồng minh của Mỹ sẽ đi nước đôi, chờ đến khi mọi chuyện rõ ràng hơn và xem xem liệu thay đổi chính sách của Mỹ có phải là lâu dài và liệu có thể thành công hay không”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục