Tháng 1/2020 đã trở thành tháng đầu năm "ấm kỷ lục" trên toàn cầu và nhiệt độ tại châu Âu được ghi nhận tăng cao hơn 3 độ C so với mức trung bình trong tháng Một kể từ năm 1981-2010.
Dịch vụ theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), hệ thống giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết một loạt quốc gia trải dài từ Na Uy tới Nga đều ghi nhận mức nhiệt chưa từng có tiền lệ, cao hơn 6 độ C so với mức trung bình trong suốt 30 năm qua.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ gia tăng hằng tháng, năm và từng thập kỷ đã trở thành hiện tượng phổ biến dưới tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu do quá trình tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ra.
Song, nhiệt độ cao kỷ lục trong 5 năm qua đều nằm trong giai đoạn 10 năm từ 2009-2019.
Năm 2019 được ghi nhận là năm nóng nhất thứ 2, chỉ thấp hơn 0,04 độ C so với năm nóng nhất vào năm 2016, thời điểm nhiệt độ gia tăng do hiện tượng thời tiết bất thường El Nino tác động đến khí hậu toàn cầu.
Nhưng nhiệt độ "ấm kỷ lục" trên toàn cầu trong tháng Một vừa qua lại cao hơn 0,03 độ C so với tháng 1/2016.
Tại châu Âu, nhiệt độ trong tháng 1/2020 được ghi nhận cao hơn 0,2 độ C so với mức tháng Một "ấm nhất" được ghi nhận vào năm 2007 và hơn 3,1 độ C so với mức trung bình của các tháng Một trong giai đoạn từ 1981-2019.
Tại một số địa phương ở rìa lục địa châu Âu và tiếp giáp Bắc Cực, các mức kỷ lục về nhiệt độ cũng đều bị phá vỡ. Trong đó, nhiệt độ vào ngày 2/1 tại làng Sunndalsora, phía Tây Na Uy ở mức 19 độ C, cao hơn 2,5 độ C so với mức trung bình hằng tháng.
Tại thành phố Orebro của Thụy Điển, ngày 9/1 vừa qua được cho là ngày "ấm nhất" trong tháng Một kể từ năm 1858, thời điểm bắt đầu cập nhật số liệu về khí hậu./.