COP29 - Sự kiện then chốt trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu

COP29 sẽ thu hút khoảng 80.000 đại biểu tham gia, nhiệm vụ chính là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan, từ ngày 11-22/11/2024.

Sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ tại nhiều nơi liên tục phá kỷ lục và các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Hứa hẹn sẽ thu hút khoảng 80.000 đại biểu tham gia, nhiệm vụ chính của COP29 là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), COP29 hứa hẹn là cơ hội quan trọng để tăng cường liên kết giữa thương mại, đầu tư và hành động chống biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Một trong những điểm nổi bật của sự kiện là Ngày Tài chính, Đầu tư và Thương mại khí hậu (FIT) vào ngày 14/11 tớ, với các cuộc thảo luận về cách thương mại và đầu tư có thể hỗ trợ các dòng tài chính khí hậu và giúp các quốc gia đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng.

Người tham gia sẽ có cơ hội tìm hiểu về vai trò của chính sách thương mại trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra, các sự kiện cấp cao khác sẽ tập trung vào các vấn đề như sàn giao dịch chứng khoán bền vững, nỗ lực khử carbon trong ngành thép và hydro, và tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là từ các nền kinh tế đang phát triển, vào chuỗi giá trị carbon thấp.

Giới quan sát nhận định tài chính khí hậu là một trong những vấn đề nóng nhất tại COP29 và cũng là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước. Cuối tháng Tám vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố dự thảo về tài chính khí hậu dự kiến được đưa ra thảo luận tại COP29.

Người dân làm mát tại đài phun nước ở Rome, Italy ngày 14/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tài liệu mang tên "Mục tiêu định lượng tập thể mới" (NCQG), muốn thay thế các cam kết của các nước phát triển về việc đóng góp 100 tỷ USD/năm nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự thảo nêu 7 phương án sơ bộ, trong đó phản ánh lập trường đối lập giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Theo khối các nước Arab, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025-2029 để huy động các khoản vay và tài chính tư nhân, qua đó nâng tổng số tiền hỗ trợ hàng năm lên 1.100 tỷ USD.

Về phần mình, các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hằng năm là 1.300 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua, các nước tài trợ cho rằng những con số trên là không thực tế. Các nước tài trợ - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia - lập luận rằng hiện tại, họ chỉ gây ra gần 30% lượng khí thải trong lịch sử và muốn đưa thêm Trung Quốc và các nước vùng Vịnh vào danh sách các nhà tài trợ.

Canada đề xuất trong tài liệu rằng ngoài các nhà tài trợ nói trên, những nước đóng góp cho mục tiêu tài chính mới nên bao gồm các quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người (GNI) trên 52.000 USD, hoặc nằm trong 10 quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tích lũy hàng đầu có GNI đạt 20.000 USD.

Về phần mình, EU thừa nhận "các bên là quốc gia phát triển cần tiếp tục dẫn đầu trong việc huy động tài chính khí hậu từ nhiều nguồn, công cụ và kênh khác nhau," song nhấn mạnh rằng "mục tiêu chung chỉ có thể đạt được nếu các bên có lượng khí thải cao và năng lực kinh tế tham gia nỗ lực này." Phần đề xuất của EU nêu rõ tất cả "dòng đầu tư toàn cầu," cả công và tư, phải đạt ít nhất 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2035.

Từ năm 2009, các nước công nghiệp đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Cam kết này đã được xác nhận trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, kéo dài đến năm 2025.

Cảnh ngập lụt tại Dolow, Somalia ngày 25/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mục tiêu này có thể đã hoàn thành vào năm 2022, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Câu hỏi đặt ra là sau năm 2025, điều này sẽ được thực hiện như thế nào.

Cũng theo OECD, số tiền 100 tỷ USD mỗi năm mới chỉ là một phần rất nhỏ, thấp hơn nhiều so với yêu cầu thực tế. OECD ước tính các quốc gia Nam bán cầu cần ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm để thúc đẩy bảo vệ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị COP28, thế giới đã nhất trí dần khép lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 trên toàn thế giới. Mục tiêu này cần các khoản đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thế giới không chỉ cần các khoản đầu tư để giảm lượng khí thải nhà kính. Hậu quả của hạn hán, lũ lụt, bão gió và nước biển dâng cũng ngày càng tăng, cần được giải quyết.

Theo tình hình hiện tại, những nỗ lực quốc tế nhằm giảm khí nhà kính làm Trái Đất ấm lên hiện không đủ để kiềm chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đánh giá COP29 là bước ngoặt, giúp đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. WWF cho rằng việc nhiệt độ phá kỷ lục không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà có liên quan đến biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng, cháy rừng cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác thường xuyên và dữ dội hơn, đe dọa đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái và con người trên toàn thế giới.

WWF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân lập tức hành động một cách quyết đoán để giảm phát thải khí nhà kính. Điều này bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bảo vệ và phục hồi rừng cũng như áp dụng các biện pháp bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

COP thường niên là nơi các chính phủ cùng họp bàn và đánh giá những nỗ lực toàn cầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với mục tiêu then chốt là giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C./.

WTO công bố chương trình nghị sự cho COP29

WTO sẽ tổ chức và phối hợp nhiều sự kiện với chủ đề thương mại, đồng thời cung cấp một cổng thông tin chuyên biệt về COP29, bao gồm tin tức, hình ảnh và các tài liệu khác liên quan.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục