COP29 đau đầu tìm cách giải bài toán tài chính khí hậu

Khối Arab kỳ vọng các nước phát triển nên cam kết tài trợ ít nhất 441 tỷ USD/năm để nâng tổng số tiền hỗ trợ hàng năm lên 1.100 tỷ USD, song các nước tài trợ cho rằng con số này không thực tế.

Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan Mukhtar Babayev phát biểu tại Đối thoại khí hậu Petersberg ở Berlin (Đức) ngày 25/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN_
Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan Mukhtar Babayev phát biểu tại Đối thoại khí hậu Petersberg ở Berlin (Đức) ngày 25/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN_

Liên hợp quốc mới đây đã công bố dự thảo về tài chính khí hậu dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng 11 tới tại Baku dưới sự chủ trì của Azerbaijan.

Tài liệu mang tên "Mục tiêu định lượng tập thể mới" (NCQG), muốn thay thế các cam kết của các nước phát triển về việc đóng góp 100 tỷ USD/năm nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự thảo nêu 7 phương án sơ bộ, trong đó phản ánh lập trường đối lập giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Theo khối các nước Arab, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025-2029 để huy động các khoản vay và tài chính tư nhân, qua đó nâng tổng số tiền hỗ trợ hàng năm lên 1.100 tỷ USD.

Về phần mình, các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hằng năm là 1.300 tỷ USD.

Các nước tài trợ cho rằng những con số trên là không thực tế.

Các bên tài trợ, gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia lập luận rằng hiện tại, họ chỉ gây ra gần 30% lượng khí thải trong lịch sử, và muốn đưa thêm Trung Quốc và các nước vùng Vịnh vào danh sách các nhà tài trợ.

Canada đề xuất trong tài liệu rằng ngoài các nhà tài trợ nói trên, những nước đóng góp cho mục tiêu tài chính mới nên bao gồm các quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người (GNI) trên 52.000 USD, hoặc nằm trong 10 quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tích lũy hàng đầu có GNI đạt 20.000 USD.

Về phần mình, EU thừa nhận "các bên là quốc gia phát triển cần tiếp tục dẫn đầu trong việc huy động tài chính khí hậu từ nhiều nguồn, công cụ và kênh khác nhau," song nhấn mạnh rằng "mục tiêu chung chỉ có thể đạt được nếu các bên có lượng khí thải cao và năng lực kinh tế tham gia nỗ lực này."

Phần đề xuất của EU nêu rõ tất cả "dòng đầu tư toàn cầu," cả công và tư, phải đạt ít nhất 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2035.

Chủ tịch COP29 được chỉ định, ông Mukhtar Babayev, cảnh báo hiện chỉ còn 73 ngày trước khi COP29 bắt đầu và các bên cần đẩy nhanh quá trình tham gia vào ưu tiên đàm phán hàng đầu này để đạt được sự đồng thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục