Ngày 6/12, Cơ quan Giám sát Tình trạng Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo 2023 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử sau khi tháng 11 trở thành tháng thứ 6 liên tiếp trong năm phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.
Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dự báo sẽ gây áp lực lên các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các chuyên gia C3S trước đó dự báo năm nay có thể trở thành năm nóng nhất kể từ năm 2016 sau khi tháng 9 và tháng 10 liên tục phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.
Liên hợp quốc cảnh báo 2023 sẽ là năm nóng nhất từ trước tới nay
Năm 2023, hàng loạt kỷ lục đã bị phá vỡ một cách đáng lo ngại: mức khí gây hiệu ứng nhà kính cao kỷ lục; nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục; mực nước biển dâng cao kỷ lục; băng biển Nam Cực thấp kỷ lục.
Dự báo này càng được củng cố sau khi tháng 11 vừa qua phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 11 ghi nhận trước đó, đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 tăng cao hơn 1,46 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tháng 11 cũng đánh dấu lần đầu tiên có 2 ngày nóng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo C3S, 11 tháng đầu năm nay chứng kiến nền nhiệt trung bình cao hơn 0,13 độ C so với năm 2016 - năm nóng nhất ghi nhận trước đó.
Nhiệt độ toàn cầu trong nửa cuối năm tăng cao được cho là một phần do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết trong năm 2023 đã có 6 tháng và 2 mùa ghi nhận nhiệt độ tăng cao kỷ lục.
Bà nhấn mạnh: “Nhiệt độ bất thường trên toàn cầu trong tháng 11, trong đó có 2 ngày ấm hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng nghĩa năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.”
Theo các nhà khoa học, dữ liệu về lõi băng và vòng gỗ cho thấy 2023 có thể là năm nóng nhất trong hơn 100.000 năm.
Báo cáo của C3S được công bố trong bối cảnh các nhà đàm phán của gần 200 quốc gia tham dự COP28 đang tranh luận về những chi tiết cuối cùng của một dự thảo thỏa thuận nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là tương lai của dầu mỏ, khí đốt và than đá, những nguồn phát thải chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Dự kiến, dự thảo thỏa thuận hành động khí hậu nói trên sẽ được công bố trong ngày 6/12 và được thảo luận xuyên suốt các cuộc đàm phán COP28 kéo dài đến ngày 12/12./.