COP27: UNFCCC khởi động chương trình thúc đẩy các công nghệ khí hậu

TEC và CTCN đã khởi động chương trình làm việc chung để đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ biến đổi khí hậu cần thiết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
COP27: UNFCCC khởi động chương trình thúc đẩy các công nghệ khí hậu ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 15/11, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, các quan chức cấp cao của một số chính phủ, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã khởi động một chương trình làm việc 5 năm mới nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.

Ủy ban Điều hành Công nghệ (TEC) và Trung tâm và Mạng lưới Công nghệ Khí hậu (CTCN) - hai cơ quan của Cơ chế Công nghệ thuộc UNFCCC - đã khởi động chương trình làm việc chung để đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ biến đổi khí hậu cần thiết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Giám đốc điều hành UNEP, ông Inger Andersen, nói rằng: "Việc khởi động chương trình làm việc chung này là một cơ hội quan trọng để chúng ta đẩy nhanh các nỗ lực triển khai công nghệ nhằm giải quyết vấn đề thông qua giảm thiểu và thích ứng."

Chương trình làm việc chung mới nói trên bao gồm các công việc và chương trình hành động trong giai đoạn 2023-2027.

[COP27: EU khẳng định sẵn sàng nâng mục tiêu khí hậu]

TEC và CTCN dự kiến sẽ thực hiện các hoạt động chung, trong đó có các lộ trình công nghệ, công việc về giới và công nghệ, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và số hóa.

Bên cạnh đó, TEC và CTCN cũng sẽ thực hiện các công việc chung khác liên quan các hệ thống đổi mới quốc gia, công nghiệp và mối tương qua giữa nước-năng lượng-lương thực.

Thư ký Điều hành UNFCCC, ông Simon Stiell, nêu rõ: "Thời gian không còn nhiều để đạt được các mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris. Việc nhanh chóng mở rộng quy mô và chuyển giao hiệu quả các công nghệ khí hậu là cấp thiết để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C cũng như tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu."

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, ông John Kerry, khẳng định: "Cơ chế Công nghệ của UNFCCC đang thúc đẩy hành động trong thập niên quyết định này thông qua các giải pháp công nghệ thông minh để giảm thiếu và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Mỹ đang hỗ trợ cách tiếp cận chiến lược mới để thúc đẩy hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các nước đang phát triển. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các bên hợp tác hiệu quả để đẩy nhanh hành động ở quy mô và tốc độ cần thiết thông qua nghiên cứu, phát triển, trình diễn và triển khai các công nghệ khí hậu."

Trong khi đó, ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC), nói: "Chuyển giao công nghệ là rất quan trọng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Cho dù là năng lượng, cơ sở hạ tầng hay lương thực, chúng ta cần đảm bảo rằng kiến thức được chia sẻ để giúp xây dựng năng lực công nghiệp và hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục