Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), 9 quốc gia gồm Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Colombia, Ireland, Na Uy và Hà Lan, đã thông báo quyết định tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) nhằm khuyến khích phát triển phong điện ngoài khơi.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, kiêm Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Đức, bà Jennifer Lee Morgan, khẳng định nền kinh tế lớn nhất châu Âu là nhà sản xuất điện gió ngoài khơi lớn thứ ba thế giới và nước này hiện có kế hoạch tăng mạnh công suất.
Theo bà, Berlin nhận thấy "cơ hội tận dụng bí quyết và kỹ năng của mình trong không gian ngoài khơi và có thể giúp các nước khác xây dựng hoặc tự tăng công suất sản xuất điện gió ngoài khơi.”
[COP27: EU kiên quyết theo đuổi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu]
Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten dự báo “Biển Bắc sẽ chuyển đổi thành nhà máy điện lớn bền vững,” đồng thời tin tưởng “với sự tăng tốc xanh này, chúng ta có thể thay thế khí đốt và dầu nhanh hơn.”
GOWA, do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cùng Đan Mạch khởi xướng thành lập từ tháng 9/2022, nhằm xóa bỏ rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi.
GOWA khẳng định hoàn toàn có thể phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô lớn, trong thời gian ngắn và chi phí cạnh tranh.
Trong khi đó, IRENA và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng công suất điện gió ngoài khơi sẽ cần “vượt ngưỡng 2000GW vào năm 2050, so với mức chỉ hơn 60GW hiện nay” nhằm đảm bảo mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để đạt được điều này, GOWA đặt mục tiêu đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380GW vào cuối thập niên này./.