Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Paris, Pháp (COP21) đã bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn sau khi các nhà đàm phán cuối tuần qua đã thông qua một dự thảo hiệp định toàn cầu, dù dự thảo này vẫn còn rất nhiều điểm tranh cãi mà các bộ trưởng cần giải quyết trong tuần tới.
Kết quả này làm gia tăng hy vọng rằng nhiều thập niên đàm phán có thể kết thúc với một thỏa thuận lịch sử tại Paris.
Trong nỗ lực đàm phán kéo dài bốn năm qua nhằm đạt một thỏa thuận ràng buộc về làm chậm quá trình nóng lên của Trái Đất, các quan chức cấp cao của gần 200 quốc gia đã nhất trí về một dự thảo hiệp định, đánh dấu một bước tiến so với hội nghị thượng đỉnh thất bại tại Copenhagen sáu năm trước.
Theo Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, Su Wei, dù diễn ra rất khó khăn, tuần đầu tiên của hội nghị đã đạt kết quả rất tốt, tạo cơ sở mạnh mẽ cho việc đàm phán trong tuần tới.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cảnh báo còn nhiều việc cần giải quyết để đạt một thỏa thuận ràng buộc cả nước giàu và nước nghèo trong việc ứng phó với hiện tượng nóng lên trên toàn cầu khi kết thúc hội nghị vào ngày 11/12.
Một số quốc gia đang phát triển muốn bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho đến năm 2050, nhưng Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, là một trong những nước muốn rằng chỉ cam kết chuyển sang một nền kinh tế ít các-bon trong thế kỷ này.
Trong số những điểm chưa được quyết định có việc nên giữ mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C hay giảm xuống còn 1,5 độ C như yêu cầu của nhiều đảo quốc nhỏ.
Việc tài trợ cho các nước phía Nam bán cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc phân chia nỗ lực chống biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn là những điểm gay go nhất, mà các Bộ trưởng sẽ phải giải quyết trong những ngày tới.
Các nước phía Nam bán cầu muốn hiệp định phải ghi rõ khoản tiền 100 tỷ USD mỗi năm được cam kết từ nay đến năm 2020 để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ là một bước khởi đầu. Trong khi đó, các nước phía Bắc bán cầu không muốn là chỉ có họ bỏ tiền ra.
Theo các nhà quan sát, tài chính là vấn đề hóc búa nhất trong các cuộc thương lượng. Các nước phát triển không sẵn sàng trong việc tăng mức hỗ trợ cho các nước đang phát triển sau năm 2020, khi hiệp định Paris có hiệu lực, từ mức 100 tỷ USD mà các nước giàu đã cam kết từ năm 2009 nhưng chưa thực hiện.
Các vấn đề chủ chốt khác là về trách nhiệm chung nhưng khác biệt trong việc giảm lượng khí thải, thích ứng, tài trợ, minh bạch và tất cả các yếu tố khác của thỏa thuận./.