Ngày 2/11, Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) tại thành phố Cali (Colombia) đã nhất trí thiết lập một quỹ từ các khoản thanh toán mà các công ty phải trả cho việc sử dụng dữ liệu tài nguyên di truyền của thực vật và động vật và sau đó chia sẻ một phần quỹ với cộng đồng địa phương nơi sở hữu nguồn đa dạng sinh học này.
COP15 diễn ra ở thành phố Montreal (Canada) đã nhất trí thiết lập một cơ chế đa phương, bao gồm một quỹ toàn cầu, để chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên di truyền, hay còn được gọi là thông tin trình tự kỹ thuật số về tài nguyên di truyền (DSI).
Tại hội nghị năm nay, các nước đã nhất trí thiết lập “Quỹ Cali” để chia sẻ công bằng những lợi ích từ DSI. Theo đó, những bên sử dụng và hưởng lợi thương mại từ DSI cần đóng góp một phần lợi nhuận hoặc doanh thu của họ vào quỹ toàn cầu.
Các lĩnh vực cần thực hiện việc đóng góp như vậy bao gồm các nhà sản xuất dược phẩm, thực phẩm và thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, công nghệ sinh học và kinh doanh nông nghiệp.
Các khoản thanh toán có thể lên đến hàng tỷ USD từ việc sử dụng dữ liệu di truyền và sẽ được chuyển vào quỹ nói trên. Trong đó, quỹ sẽ phân phối 1/2 số tiền thu được cho cộng đồng địa phương nhằm duy trì công tác bảo tồn thiên nhiên.
Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên di truyền là một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận tại COP16 và cũng gặp không ít tranh cãi xoay quanh những câu hỏi như ai trả tiền cho việc sử dụng dữ liệu đó, bao nhiêu tiền và tiền sẽ được chuyển cho ai.
Những dữ liệu này phần lớn là từ các loài được tìm thấy ở các nước đang phát triển và thường được tải xuống từ các cơ sở dữ liệu trực tuyến miễn phí.
Các nhà phát triển thuốc và mỹ phẩm thường sử dụng dữ liệu này để chế biến sản phẩm và thu được lợi nhuận hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, những quốc gia và cộng đồng phát hiện ra những đặc tính di truyền hữu ích ngay từ đầu lại không được hưởng lợi, hoặc nếu có thì rất ít, từ những dữ liệu như vậy.
Ngay từ đầu các cuộc thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước sớm nhất trí về cách thức quản lý việc sử dụng DSI để có thể chia sẻ một cách công bằng những lợi ích thu được.
Ông nhấn mạnh dữ liệu tài nguyên di truyền được số hóa là nền tảng cho các khám phá khoa học và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển sở hữu sự giàu có về đa dạng sinh học.
Khai mạc từ ngày 21/10, Hội nghị COP16 nhằm đánh giá và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch quốc gia và tài trợ nhằm đạt được 23 mục tiêu đã được đề ra trong Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) tại COP15 - diễn ra ở Canada năm 2022, nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030./.
Hội nghị COP16 thành lập cơ quan tham vấn thường trực cho người bản địa
Cơ quan tư vấn này được coi là bước đột phá trong việc công nhận vai trò của người bản địa trong việc bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu, bao gồm một số khu vực có đa dạng sinh học nhất hành tinh.