Ngày 12/12, Canada, Mỹ, Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã thành lập một liên minh mới để buộc các công ty khai thác mỏ áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hơn với môi trường và có trách nhiệm hơn với xã hội, khi thế giới phương Tây đang tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của mình.
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada, Jonathan Wilkinson đã công bố thỏa thuận trên tại cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) đang diễn ra ở Montreal (Canada).
Khoáng sản quan trọng mà thỏa thuận đề cập đến bao gồm khoảng ba chục kim loại và khoáng chất cần thiết cho hầu hết các công nghệ hiện đại, bao gồm máy tính xách tay và điện thoại di động.
[COP15 - cơ hội để bảo vệ Trái Đất trước khủng hoảng đa dạng sinh học]
Đây cũng là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất pin sạc được sử dụng trong xe điện, cũng như lưu trữ năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Wilkinson nhấn mạnh rằng khoáng sản quan trọng là nền tảng cho nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Thông báo trên được đưa ra ba ngày sau khi Ottawa công bố chiến lược khoáng sản quan trọng của Canada, nhằm mục đích mở rộng sản xuất của Canada theo hướng bền vững với môi trường, đảm bảo công bằng cho cộng đồng bản địa và tăng cường an ninh toàn cầu.
Hiện Trung Quốc là nước chiếm ưu thế trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực tinh chế.
Theo giới quan sát, chiến lược khoáng sản quan trọng của Canada mới chỉ tập trung vào hoạt động khai thác trong nước.
Đáng chú ý, chiến lược này cũng "im lặng" về tính bền vững của nguyên liệu thô được khai thác ở nơi khác và được đưa đến Canada để tiếp tục xử lý hoặc sử dụng trong sản xuất pin.
Liên minh trên được đánh giá là một nỗ lực nhằm mở rộng chiến lược của Canada trên toàn cầu, mặc dù không rõ các nước thành viên sẽ mạnh tay như thế nào trong việc đảm bảo các khoáng sản quan trọng nhập khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường giống như các khoáng sản được khai thác trong nước.
Thỏa thuận cũng không nêu rõ các thành viên liên minh sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đảm bảo rằng các công ty của họ tuân thủ các tiêu chuẩn khi hoạt động ở nước ngoài.
Các công ty của Canada mặc dù có danh tiếng tốt về hoạt động khai thác bền vững trong nước, nhưng trên phạm vi quốc tế thì lại là một câu chuyện khác.
Đã có một số vụ kiện - về thiệt hại môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người - chống lại các công ty Canada hoạt động ở các quốc gia khác.
Các cuộc đàm phán tại COP15 là một nỗ lực của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm đạt được các chính sách vừa ngăn chặn, vừa sửa chữa sự tàn phá mà các hoạt động của con người, bao gồm cả khai thác mỏ, đã gây ra cho hệ sinh thái toàn cầu và các loài hoang dã.
Một số tổ chức môi trường đã có ý kiến chỉ trích khi chính phủ Canada công bố chiến lược mở rộng hoạt động khai thác mỏ./.