COP 24: Cần nỗ lực vượt bậc trong thực thi Hiệp định Paris 2015

Báo cáo của UNEP cho rằng các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C.
Khí thải phát ra từ một nhà máy tinh luyện đường ở bang Queensland, Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với sự tham dự của đại diện từ gần 200 quốc gia trên thế giới, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) diễn ra tại thành phố Katowice của Ba Lan, từ ngày 12-14/12, nhằm thống nhất một lộ trình thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, trong bối cảnh thế giới đang đi chệch hướng trong nỗ lực đẩy lùi tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

Cách đây ba năm, tại thủ đô Paris của nước Pháp, các nước đã cam kết nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và an toàn hơn là xuống còn 1,5 độ C.

Các quốc gia giàu có cũng cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đương đầu với tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, dù cho tới nay nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng thêm 1 độ C, thế giới đã phải chứng kiến hàng loạt thiên tai gây thiệt hại nặng nề cả người và của, như các trận cháy rừng, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn đi kèm với mực nước biển tăng. Trong khi đó, số tiền huy động được trong quỹ 100 tỷ USD/năm đã cam kết mới chỉ dừng lại ở con số 10 tỷ.

[COP 24: LHQ hối thúc các nước thu hẹp bất đồng, hướng tới kết quả tích]

Liên hợp quốc đã cảnh báo cộng đồng quốc tế đang "chậm chân" trong "cuộc đua" chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Số liệu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy lượng khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2030 có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở ngưỡng 2 độ C.

Báo cáo của UNEP cho rằng các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C. UNEP cũng chỉ ra Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đang là nhóm không đảm bảo thực hiện được cam kết.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phát biểu tại hội nghị ngày 3/12 đã nhận định thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ông, các nước chứng kiến những tác động của thảm họa thiên nhiên dẫn tới sự tàn phá khắp thế giới, song con người vẫn chưa hành động đầy đủ và đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng này. Ông Guterres đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu.

Một trong những tranh cãi tại hội nghị COP 24 là ngân sách tài chính hỗ trợ cho các nước phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà cam kết xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hằng năm (tới năm 2020) khó có thể được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này ra khỏi hiệp định quốc tế đã ký kết.

Nhân dịp này Ngân hàng Thế giới đã công bố khoản đầu tư vào kế hoạnh hành động chống biến đổi khí hậu trị giá 200 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021-2025, đồng thời nhấn mạnh rằng con số này gấp đôi so với khoản ngân sách 5 năm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục