COP 15 ra tuyên bố kêu gọi hành động khẩn cấp bảo tồn đa dạng sinh học

Tuyên bố Côn Minh đảm bảo lộ trình phục hồi đa dạng sinh học chậm nhất vào năm 2030, tiến tới hiện thực hóa đầy đủ Tầm nhìn 2050 về “sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên."
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trực tuyến tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) tổ chức tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), ngày 12/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (CBD), còn gọi là COP15 diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc vừa bế mạc ngày 15/10.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Côn Minh, trong đó kêu gọi "hành động khẩn cấp và phối hợp" của tất cả các bên trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cam kết đảm bảo xây dựng, thông qua và thực hiện có hiệu quả “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.

Tuyên bố Côn Minh cũng đảm bảo lộ trình phục hồi đa dạng sinh học chậm nhất vào năm 2030, tiến tới hiện thực hóa đầy đủ Tầm nhìn 2050 về “sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên."

Kết quả của hội nghị được đánh giá là tích cực và có thể tạo động lực để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực tiếp theo nhằm sớm xây dựng một kế hoạch chi tiết về bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn 2021-2030, vốn được Liên hợp quốc xác định là "Thập niên phục hồi các hệ sinh thái."

COP15 diễn ra trong bối cảnh sau khi phát động “Thập niên Liên hợp quốc về đa dạng sinh học" 2011-2020, thế giới vẫn đang đứng trước nguy cơ cao không đạt được những mục tiêu về đa dạng sinh học trong khuôn khổ chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

Thư ký điều hành của CBD Elizabeth Maruma cho rằng thế giới đã không đạt được những “đột phá” cần thiết trong giai đoạn 2011-2020 và đã không bảo vệ được hệ sinh thái vốn đóng vai trò sống còn đối với con người.

Trong báo cáo công bố nhân Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 năm nay, Liên hợp quốc chỉ rõ chính con người đã làm suy giảm đa dạng sinh học và cạn kiệt các nguồn tài nguyên nhanh hơn mức thiên nhiên có thể tái tạo và có thể nói, chính con người đã gây ra thảm họa sinh thái trên Trái Đất.

Liên hợp quốc cảnh báo tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra là chưa từng có trong lịch sử, với một triệu loài động, thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Với giá trị đa dạng sinh học cao, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) đang là điểm thu hút khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Một số nhà khoa học cho rằng đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu trên Trái Đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí.

Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 được cho là lây từ động vật hoang dã, được xem là hậu quả nhãn tiền mà con người phải hứng chịu do những hành động thiếu "tôn trọng" và lạm dụ hệ sinh thái.

Hành động mạnh mẽ, giải pháp kịp thời, giữ vững cam kết là những cụm từ được đề cập nhiều trong các cuộc họp của COP15 lần này, cho thấy trong giai đoạn 10 năm qua, thế giới đã chưa nỗ lực triệt để và thiếu sự đồng lòng trong việc bảo vệ và quản lý tốt hệ sinh thái.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người.

Việc các bên thông qua Tuyên bố Côn Minh phần nào thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, tiếp theo cam kết đã được lãnh đạo các nước đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững," diễn ra tháng 10 năm ngoái trong khuôn khổ Khoá 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc.

[LHQ kêu gọi thế giới đồng thuận ngăn chặn khủng hoảng hệ sinh thái]

Tại hội nghị COP15 này, với tư cách là nước chủ nhà, Trung Quốc đã phát động thành lập quỹ bảo tồn sinh học cho các quốc gia đang phát triển và công bố khoản đóng góp 1,5 tỷ nhân dân tệ (hơn 232 triệu USD) cho quỹ này.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng Năm, thế giới cần tăng mức chi thường niên cho hoạt động bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên lên 3 lần, lên mức 350 tỷ USD đến năm 2030 và 536 tỷ USD đến năm 2050.

Đáng chú ý, “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” đang trong quá trình thảo luận và dự kiến sẽ được đưa ra thông qua trong phần thứ hai của COP15 vào năm tới.

"Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020' đặt ra một tầm nhìn mới đến năm 2050, theo hướng thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên, đa dạng sinh học được coi trọng, bảo tồn, phục hồi và sử dụng một cách khôn ngoan, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh lành mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người. Tầm nhìn mới đó đòi hỏi những hành động mới với sự hợp tác chặt chẽ và kết nối giữa các quốc gia để giải quyết được vấn đề mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, để thực hiện tầm nhìn tham vọng này, chính phủ các nước cũng phải đảm bảo xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào những biện pháp cụ thể như chấm dứt các chương trình trợ cấp cho hoạt động khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, tăng chi ngân sách vào khôi phục các khu vực hoang dã như rừng và vùng đầm lầy, nâng cấp các hệ thống canh tác trên thế giới nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và lãng phí lương thực.

Kỳ quan thác 50 trong khu Cao nguyên Kon Hà Nừng, Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Là một trong những quốc gia tích cực tham gia các công ước quốc tế về đa dạng sinh học, Việt Nam nhận thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó đóng góp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu.

Điều này thể hiện qua cam kết của Chính phủ Việt Nam trong các hội nghị về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc và những đóng góp vào việc thực hiện Kế hoạch chiến lược đa dạng sinh học 2011-2020, Các Mục tiêu Aichi và Mục tiêu Phát triển bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020." Việt Nam cũng kêu gọi các quốc gia cùng kết hợp sức mạnh, phối hợp hành động khẩn cấp, quyết liệt và thiết thực hơn nữa để bảo vệ đa dạng sinh học.

Mục tiêu số 15 trong chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc tập trung vào vấn đề: "Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học." Vì thế, bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là giải pháp quan trọng mà còn là thước đo của những nỗ lực trong phát triển bền vững.

Việc các bên tham dự COP15 nhất trí xây dựng và thực hiện lộ trình phục hồi đa dạng sinh học chậm nhất vào năm 2030 là bước tiến đáng ghi nhận nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để có thể hoàn thành "Thập niên phục hồi các hệ sinh thái” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục