Mới chỉ cầm quân Chelsea giành chiến thắng trước West Ham trong ngày ra quân, song đang có những lý do để tin vào việc Conte sẽ tối ưu hóa trở lại Chelsea vào mùa giải này thông qua việc sửa chữa những sai lầm của Mourinho.
Conte không nể công thần
Ngay trong trận ra quân, Conte đã đẩy Cesc Fabregas, con át chủ bài nơi hàng tiền vệ Chelsea dưới thời Mourinho lên băng ghế dự bị. Ngay sau quyết định này là những tin đồn về việc tiền vệ người Tây Ban Nha sẽ tới với Juventus hoặc Real Madrid.
Fabregas đã sẵn sàng để rời khỏi Chelsea? Có thể đúng như vậy. Hoặc đơn giản hơn, tiền vệ người Tây Ban Nha có cảm giác vị thế của bản thân đang bị đe dọa, và ngay lập tức phải tạo ra động thái để lôi kéo sự chú ý của Conte.
Với nhà cầm quân người Italy, không tồn tại khái niệm công thần tại Chelsea. Nếu chơi tốt trên sân tập, anh sẽ được giữ trên sân, bằng không sẽ là ghế dự bị. Fabregas có thể đã không tạo ra đủ những ấn tượng trên sân tập đối với nhà cầm quân người Italy so với Oscar, người chơi đúng vào vị trí của anh tại trận đấu với West Ham.
Khi Mourinho còn tại vị, Fabregas là cái tên quyết định số phận của Chelsea. Nếu tiền vệ người Tây Ban Nha chơi tốt, Chelsea luôn vượt trội những đối thủ của họ. Ngược lại, khi Fabregas mất phong độ. The Blues ngay lập tức chấp chới trong những cuộc khủng hoảng, mà quyết định sa thải Mourinho tới chính xác vào thời điểm Fabregas chơi tệ nhất trong sự nghiệp của anh.
Conte đã sửa chữa sai lầm đó của Mourinho bằng việc tách Chelsea khỏi sự phụ thuộc mang tên Fabregas.
Thay máu hàng phòng ngự
Sai lầm lớn bậc nhất về chuyên môn của Mourinho trong năm cuối của nhà cầm quân này tại Chelsea chính là việc tin tưởng tuyệt đối vào hàng phòng ngự. Và đến khi Thibaut Courtois bất ngờ dính chấn thương, kèm theo đó là sự sa sút phong độ không thể tin nổi của John Terry cũng như Branislav Ivanovic, Chelsea nhanh chóng trở nên nát vụn.
Conte hiện tại vẫn giữ nguyên hàng phòng ngự đó nhưng nhà cầm quân người Italy đang nhanh chóng tìm tới những phương án mới, mà hậu vệ Kalidou Koulibaly của Napoli đang là mục tiêu số một. 60 triệu euro đang được Chelsea sẵn sàng trả cho đội bóng miền Nam Italy để có được trung vệ sinh năm 1991.
Nếu sở hữu thành công Koulibaly, Conte coi như thay máu xong hàng hậu vệ The Blues, sẵn sàng hướng tới mục tiêu cạnh tranh trực tiếp chức vô địch Premier League.
Conte không tạo sức ép vô hình lên các học trò
Khác với Mourinho đã tạo sức ép ngược lên các học trò trong năm cuối cùng của mình tại Chelsea với liên tục các hành động khó hiểu cả trong lẫn ngoài sân cỏ, Conte không bao giờ làm điều tương tự với các học trò dù nhà cầm quân người Italy thường xuyên… quát mắng các học trò nếu có điều gì đó không theo ý ông.
Tại Juve, Conte từng không ngần ngại chửi thẳng vào mặt Gianluigi Buffon khi thủ thành người Italy đến muộn 1 phút trong buổi họp chiến thuật trước trận đấu cuối cùng của mùa giải với lời giải thích, “Xin lỗi, ông chủ. Ngài giám đốc muốn gặp tôi để làm rõ chuyện tiền thưởng cho cả đội sau khi vô địch.”
"Mày hãy cút khỏi đây! Tao không muốn nghe thêm một từ nào nữa. Mày là một nỗi thất vọng, một thất bại từ khi mở mồm nói về chuyện tiền thưởng lúc này. Giống hệt như lũ thất bại ngoài kia,” Conte hét vào mặt đội trưởng của “Bà đầm già,” người ở vị thế huyền thoại của không chỉ Juventus, đội tuyển Italy mà còn là cả lịch sử bóng đá thế giới.
Sau khi nhận đủ những lời chửi bới đó, cả đội Juve ra sân thắng Cagliari 3-0, kết thúc mùa giải với điểm số kỷ lục 102. Sức ép mà Conte tạo ra được cụ thể hóa toàn diện lên bảng tỷ số.
Cánh phóng viên sau trận không ai biết được điều này, chỉ khi cây bút Alessandro Alciato tiết lộ trong cuốn "Metodo Conte," giới mộ điệu mới biết quyền uy của Conte trong phòng thay đồ lớn ra sao.
Có thể nói, Conte là biểu hiện đặc biệt cho mẫu huấn luyện viên tách rời sân bóng và phòng họp báo thành hai khái niệm riêng biệt, đối nghịch hoàn toàn so với Mourinho. Vì lẽ đó, những áp lực vô hình không đáng có mà Mourinho từng tạo ra tới những ngôi sao như Eden Hazard, Diego Costa hay Nemanja Matic đều sẽ không xuất hiện dưới thời Conte, mà thay vào đó là sự kính phục, tôn trọng xen lẫn e sợ đối với một người thầy dám nghĩ, dám làm, đặt kỷ luật lên hàng đầu./.