Quân đội Uganda ngày 7/11 cho biết thủ lĩnh quân sự Sultani Makenga của nhóm phiến quân M23 ở Cộng hòa Dân chủ Congo cùng ít nhất 1.700 tay súng đã ra đầu hàng sau khi bị quân chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo dưới sự yểm trợ của các lực lượng Liên hợp quốc đánh bại và phải chạy sang khu vực biên giới nước láng giềng Uganda.
Theo nguồn tin trên, quân đội Uganda hiện đang giam giữ Makenga cùng các tay súng M23 tại khu vực giáp giới hai nước và tiến hành phân loại đối tượng. Makenga nằm trong danh sách các đối tượng chịu sự trừng phạt của Liên hợp quốc.
Trước đó, ngày 5/11, quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo với sự trợ giúp của các lực lượng Liên hợp quốc đã đánh bật phiến quân M23 khỏi Bunagana, căn cứ chính của nhóm này ở tỉnh Bắc Kivu, gần biên giới với Uganda, và đây cũng là thành trì cuối cùng của M23. Nhiều phiến quân đã tháo chạy sang Uganda. Lực lượng này đã tuyên bố chấm dứt cuộc nổi dậy chống chính phủ kéo dài 20 tháng qua để chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa các mục tiêu bằng "các biện pháp chính trị thuần túy."
Phiến quân M23 vốn là quân đội người Tutsi, sáp nhập vào quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2009 nhưng 3 năm sau lại tách ra do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt. Năm ngoái, chính phủ và lực lượng này đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình song đều lâm vào bế tắc. Để phản đối chính phủ, các thành viên M23 thường xuyên tiến hành các vụ tàn sát dân thường, cưỡng bức phụ nữ và lôi kéo trẻ em gia nhập lực lượng.
Các cuộc tấn công của M23 không chỉ diễn ra trong lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Congo mà còn kéo theo sự tham gia của các nhóm phiến quân ở Rwanda, Uganda và Burundi, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Hồ Lớn và đẩy 2,6 triệu người mất nhà ở, 6,4 triệu người sống trong cảnh thiếu thốn các nhu yếu phẩm cần thiết.
Tuy nhiên từ tháng Ba đầu năm nay, các tay súng phiến quân M23 đã bị suy yếu đáng kể sau một trận đánh dữ dội với quân đội chính phủ. Trong trận chiến này, chỉ huy của M23 khi đó là Bosco Ntanganda đã phải bỏ chạy sang Rwanda và sau đó bị đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Ntanganda từng hai lần bị ICC phát lệnh bắt giữ với các cáo buộc gây tội ác chiến tranh và chống lại loài người./.