Thất bại trước Indonesia tại bán kết AFF Suzuki Cup 2016 không chỉ cướp mất tấm vé vào chung kết của đội tuyển Việt Nam. Thất bại ấy còn khiến tuyển Việt Nam vĩnh viễn mất đi hai huyền thoại: Lê Công Vinh và Phạm Thành Lương.
Gọi họ là huyền thoại có quá lời không?
Không hề. Công Vinh (31 tuổi) và Thành Lương (29 tuổi) là chủ nhân của sáu danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam. Công Vinh đoạt danh hiệu này vào các năm 2004, 2006 và 2007. Thành Lương đoạt vào các năm 2009, 2011 và 2014. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chỉ ba người từng làm được điều này. Người còn lại là danh thủ Lê Huỳnh Đức.
Cùng với nhau, Công Vinh và Thành Lương nằm trong số ít những tên tuổi lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong kỷ nguyên hiện đại. Đặc biệt, họ là hai chứng nhân cuối cùng trong thế hệ 2008 từng đưa tuyển Việt Nam tới chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên và duy nhất.
Tại AFF Cup 2016 vừa qua, Công Vinh là đội trưởng, Thành Lương là đội phó.
Công Vinh lên tuyển từ năm 2003 sau thành công ở JVC Cup. Anh thăng tiến chóng mặt, liên tục gặt hái các danh hiệu ở cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, là chủ nhân của hàng loạt kỷ lục trong lịch sử đội tuyển bóng đá Việt Nam như Cầu thủ khoác áo đội tuyển Việt Nam nhiều nhất, Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất đội tuyển Việt Nam, Cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn nhất V-League.
Sự nghiệp của Công Vinh gắn với những khoảnh khắc đẹp nhất lịch sử bóng đá nước nhà. Anh là người ghi bàn thắng quyết định, mang về chức vô địch AFF Cup 2008 cho Việt Nam tại Mỹ Đình. Những pha lập công vào lưới UAE ở Asian Cup 2007, Iraq tại vòng loại World Cup 2015 đều là những kỷ niệm tuyệt đẹp của bóng đá Việt Nam.
Cùng với Công Vinh, Thành Lương là cầu thủ Việt Nam ổn định và xuất sắc bậc nhất trong một thập kỷ qua. Tại AFF Cup 2008, Thành Lương là cái tên trẻ nhất của đội tuyển. Gần 10 năm sau, qua bao nhiêu đời huấn luyện viên, Thành Lương vẫn có một vị trí bất khả xâm phạm. Anh cũng là linh hồn của Hà Nội T&T hùng mạnh, chủ nhân của hai chức vô địch V-League.
Tại AFF Cup 2016, Công Vinh và Thành Lương vẫn thể hiện mình xứng đáng là những đầu tàu. Công Vinh liên tục ghi bàn, xô đổ hàng loạt kỷ lục ở cấp độ khu vực và thế giới. Pha lập công mới nhất vào lưới Campuchia giúp anh chỉ còn kém người ghi nhiều bàn nhất lịch sử AFF Cup Noh Alam Shah 2 bàn. 84 trận khoác áo tuyển Việt Nam, 51 bàn thắng, những thống kê ấy là quá đủ để Công Vinh có một vị trí bất tử trong ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt Nam.
Sự ra đi của họ là tổn thất không thể bù đắp của đội tuyển Việt Nam. Trong danh sách tiền đạo hiện tại của huấn luyện viên Hữu Thắng, không ai đạt nổi hiệu suất 3 trận/1 bàn. Mất Công Vinh, tuyển Việt Nam mất đi người đội trưởng, tay săn bàn số một, người giàu kinh nghiệm nhất, biểu tượng đương đại của đội tuyển và bóng đá Việt Nam.
Sau Minh Phương, Tài Em, Tấn Tài, Quốc Anh... sự ra đi của Công Vinh và Thành Lương khiến đội tuyển không còn một nhà vô địch thực thụ nào. Với việc Đình Luật không còn nhiều cơ hội, kinh nghiệm và độ tuổi trung bình của tuyển Việt Nam sẽ giảm sút nghiêm trọng. Hãy nhìn Myanmar tại AFF Cup 2016 làm ví dụ. Rõ ràng, sức trẻ chưa bao giờ là đủ để vươn tới đỉnh cao.
Việc cả đội trưởng và đội phó đồng loạt nói lời chia tay cũng khiến ông Hữu Thắng đau đầu trong việc giải bài toán tìm đội trưởng mới. Những ứng cử viên sáng giá như Trần Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Văn Quyết đều mắc các sai lầm nghiêm trọng tại AFF Cup vừa qua. Xuân Trường, Hoàng Thịnh hoặc quá trẻ, hoặc dính quá nhiều chấn thương.
Những tổn thất sau sự ra đi của Công Vinh và Thành Lương là không thể đo đếm được. Không ai có thể thay thế vai trò của họ. Không ai có thể khiến bóng đá Việt Nam quên đi những đóng góp lịch sử của họ.
Tạm biệt và cảm ơn hai huyền thoại./.