Bài 1: Thay đổi diện mạo vùng sâu vùng xa nghèo nhất tỉnh Champasak

Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị hai đất nước

Chùm 3 bài “Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị” của nhóm phóng viên TTXVN tại Vientiane phản ánh sự "thay da đổi thịt" tại những địa phương mà các công ty Việt Nam đầu tư.
Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị hai đất nước ảnh 1Một nữ công nhân của Công ty Cao su Việt-Lào thi triển những đường rạch thành thục trên cây cao su tại vườn cao su của Công ty ở huyện Bachiang, tỉnh Champasak. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với tổng vốn đầu tư khoảng 5,34 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực gồm tài chính-ngân hàng, năng lượng, viễn thông, cũng như nông-lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa.

238 dự án đã và đang được triển khai tốt phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào và cải thiện đời sống của người dân ở địa phương.

Chùm 3 bài “Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị” của nhóm phóng viên TTXVN tại Vientiane phản ánh sự "thay da đổi thịt" tại những địa phương mà các công ty Việt Nam đầu tư, qua đó lý giải nguyên nhân các công ty Việt Nam hoạt động tại Lào được chính quyền và người dân Lào đánh giá cao và dành tình cảm quý mến.

Bài 1: Thay đổi diện mạo một vùng đất

Hơn 18 năm trước, Bachiang vẫn còn là một trong những huyện vùng sâu vùng xa nghèo nhất của tỉnh Champasak, Nam Lào.

Kể từ khi Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Việt-Lào của Việt Nam đến phát triển dự án cao su tại địa phương, với phương châm “diện tích cao su trồng đến đâu, điện-đường-trường-trạm sẽ đầu tư đến đó,” bộ mặt của huyện Bachiang đã thay đổi toàn diện.

[Doanh nghiệp cao su Việt Nam tại Lào chú trọng công tác an sinh xã hội]

Thay cho việc người dân phải mất cả ngày mới đến được chợ vì thiếu đường sá và phương tiện, ngày nay các tuyến đường liên thông giữa các bản và các huyện cùng các hệ thống điện, trường, trạm... mà công ty giúp đầu tư xây dựng, đã giúp việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện và nhanh chóng, góp phần thay đổi rõ rệt đời sống văn hóa-xã hội của huyện.

Nhờ nguồn thuế mà công ty đóng góp, huyện Bachiang ngày nay không chỉ tự chủ được kinh phí hoạt động, mà còn là một trong những huyện giàu trong tỉnh Champasak.

Không chỉ huyện Bachiang, đầu tư của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Việt-Lào cũng góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, thay đổi toàn diện đời sống của người dân địa phương.

Từ chỗ phải dựa vào việc đốt nương làm rẫy, sống du canh, du cư và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên với thu nhập rất thấp và không ổn định, chỉ vào khoảng 5-10 triệu kip/năm (1,39 đồng/1 kip), đến nay người dân khi làm trong công ty có thu nhập ổn định trung bình từ hơn 3-5 triệu kíp/tháng.

Từ chỗ còn lo ăn từng bữa, không có cả xe đạp, đến nay, nhiều hộ trong huyện đã xây nhà cửa khang trang, mua sắm được TV, tủ lạnh, xe máy, thậm chí có cả ôtô.

Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị hai đất nước ảnh 2Nụ cười rạng rỡ của các nữ công nhân đi cạo mủ về trong rừng cao su ngập nắng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, công ty còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, 100% lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện.

Công ty cũng thực hiện chế độ nếu công nhân đi làm sẽ được hỗ trợ phụ cấp độc hại mỗi ngày khoảng 30.000 kip ngoài lương, được ăn giữa ca, được hưởng bảo hiểm lao động và các chế độ chính sách đầy đủ cho người lao động. Đây là lý do khiến ngày càng có nhiều lao động và gia đình chọn công ty là “tổ ấm."

Sau nhiều năm chỉ biết đến nương rẫy, anh Chithsada Buakhamsouk đã quyết định đến làm công nhân cạo mủ cho Công ty Cao su Việt-Lào.

Sau khi làm một thời gian, thấy thu nhập ổn định, anh rủ thêm vợ đến làm.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, anh Chithsada cho biết: “Trước đây gia đình tôi làm rẫy, trồng lúa nương và ngô, dù rất chăm chỉ nhưng vẫn không đủ sống. Chính vì vậy, tôi quyết định đưa gia đình đến làm việc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Việt-Lào. Đến nay tôi đã làm việc ở đây được 3 năm, với mỗi tháng thu nhập khoảng hơn 3 triệu kip. Gia đình tôi có thu nhập khoảng hơn 6 triệu kip. Không chỉ đủ sống mà nhờ có thu nhập cao và ổn định, đời sống kinh tế của gia đình tôi cũng tốt lên rõ rệt.”

Cùng xuất phát điểm chỉ biết sống dựa vào nương rẫy và thiên nhiên như anh Chithsada, chị Phay Monkhoun tâm sự trước đây nhà chị làm nương, làm vườn và không đủ sống.

Từ khi chuyển vào làm việc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Việt-Lào, đời sống gia đình chị thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực.

Đến nay, gia đình chị đã có tới 4 người vào làm cho công ty với thu nhập trung bình hằng tháng được khoảng trên 3 triệu kip/người. Chị cảm thấy cuộc sống rất ổn định và yên tâm.

Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị hai đất nước ảnh 3Nhà máy chế biến cao su-mủ cao su 27/2 của Công ty Cao su Việt-Lào tại huyện Bachiang, tỉnh Champasak. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Khi chúng tôi đến nông trường vào buổi sáng mờ sương, những công nhân của công ty đang gấp rút cạo mủ ở những cây cuối cùng, trước khi chuyển sang giai đoạn thu gom mủ.

Họ nhanh nhẹn thực hiện những nhát cạo hết sức thành thục, chẳng cần ước lượng, chẳng tính toán nhưng lại chính xác như được đo bằng máy, tạo ra những dòng mủ trắng tinh nhỏ chảy uốn lượn quanh cây cao su trước khi nhỏ giọt xuống một chiếc bát bằng gốm được đặt ngay dưới vết cạo.

Đây là điều khiến giới chức Lào, trong đó có ông Somboun Heuangvongxa, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, rất tâm đắc khi nói về đầu tư của các công ty Việt Nam.

Ông cho biết các công ty của Việt Nam không chỉ giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mà còn làm tốt việc dạy nghề, cũng như các kỹ năng và tác phong lao động cho người dân trong khu vực dự án, giúp họ có được kỹ năng lao động có thể cạnh tranh được với nước ngoài.

Theo ông, trong những năm qua, công nhân Lào làm việc tại các công ty cao su của Việt Nam ở Lào không những đủ tiêu chuẩn đi thi tay nghề tại Việt Nam, mà còn giành giải tay nghề giỏi.

Phó Tỉnh trưởng Champasak nhấn mạnh bên cạnh những lợi ích nêu trên, “các công ty Việt Nam còn có đóng góp lớn, đầy đủ và đúng hạn cho ngân sách của tỉnh và nhà nước Lào, chú trọng hỗ trợ tỉnh phát triển các cơ sở hạ tầng. Đây là những đóng góp rất thiết thực, giúp cho việc kết nối giữa các bản tốt hơn, giúp người dân có điều kiện đi lại tốt hơn, có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm tốt để sử dụng, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống.”

Trải qua 18 năm bén rễ trên đất nước bạn Lào, giờ đây gần 10.000ha cây cao su trên địa bàn huyện Bachiang của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Việt-Lào đang vươn mình, trải rộng và đều đặn cho ra những dòng “vàng trắng,” không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm ổn định cho người dân, giúp thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội ở các huyện vùng sâu, vùng xa của Lào trong khu vực dự án, thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Lào, mà còn góp phần củng cố quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào anh em./.

Đón đọc Bài 2: Mô hình hợp tác phù hợp với đặc thù địa phương

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục