40 người đi lao động tại Saudi Arabia, bị phá hợp đồng đều rất bất bình với Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Thăng Long (Công ty Thăng Long), khi Công ty này đến thanh lý hợp đồng lao động với người lao động tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) vào các ngày từ 26-29/5.
Số lao động này không đồng ý phương án thanh lý hợp đồng của Công ty Thăng Long do Công ty này đưa ra phương án thanh lý hợp đồng không đúng bản chất sự việc, gây khó cho người lao động nghèo.
Anh Ma Văn Quân, ở Nhạn Môn, Pắc Nặm cho biết: "Khi Công ty Thăng Long đến xã chúng tôi tư vấn đi xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia, họ nói rất hay và đảm bảo cho chúng tôi có việc làm, có thu nhập để giúp gia đình thoát nghèo. Thực tế, chúng tôi sang đến nơi, công việc làm chỉ được mấy tháng ổn định, sau đó họ bắt phải ký hợp động khác không đúng như hợp đồng đã ký ở Việt Nam, làm nhiều giờ, tiền lương lại giảm, nên chúng tôi không đồng ý. Ngay cả những ngày chúng tôi đi làm cũng không được công ty Bader (Saudi Arabia) trả lương. Không có việc làm, không có tiền ăn, chúng tôi phải đi nhặt rác, nhặt phế liệu để kiếm sống."
Anh cho biết thêm: "Chúng tôi đã gửi yêu cầu cho Công ty Thăng Long và huyện Pác Nặm trả chúng tôi về nước, về với vợ con chúng tôi. May nhờ có báo chí lên tiếng, rồi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh vào cuộc, chúng tôi mới được về nước. Việc phá hợp đồng hoàn toàn do phía Công ty Thăng Long và Công ty Bader của Saudi Arabia, nhưng họ chỉ 'hỗ trợ' cho chúng tôi 15 triệu đồng. Chúng tôi phải trả toàn bộ số tiền 35 triệu đồng và lãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, mỗi người lao động phải bỏ ra trên 20 triệu nữa để trả nợ. Thử hỏi người nghèo chúng tôi lấy đâu ra số tiền đó. Chưa nói đến việc chúng tôi phải được bồi thường cả trong những thời gian không có việc làm, như nôi dung hợp đồng đã ký."
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Ngô Bá Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long, cũng khẳng định việc đưa công nhân từ Saudi Arabia về nước trước thời hạn lỗi không phải của công nhân.
Phương án thanh lý hợp đồng mà Công ty Thăng Long lập ra để giải quyết sự việc với tổng số tiền là 25,542 triệu đồng/người, trong đó có hỗ trợ lượt về vé máy bay 10 triệu đồng, hỗ trợ phí dịch vụ 7,792 triệu đồng, hỗ trợ phí môi giới 5,250 triệu đồng và Công ty Thăng Long hỗ trợ thêm 2,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi thanh toán, Công ty Thăng Long lại trừ đi tiền mua vé máy bay nên mỗi lao động chỉ nhận được được trên 15 triệu đồng. Trong khi để hoàn thiện chuyến đi, mỗi lao động nghèo phải vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 35 triệu đồng, như vậy mỗi người phải bỏ thêm ra trên 20 triệu đồng (chưa tính lãi) mới đủ tiền trả cho Ngân hàng.
Theo hợp đồng giữa Công ty Thăng Long và người đi xuất khẩu lao động, tại Điều 6, điểm 6.2 ghi rõ: “Trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động gây ra, bên đưa đi có trách nhiệm trả các khoản tiền theo quy định và bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật.”
Về việc thanh lý hợp đồng với người nghèo huyện Pác Nặm đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia về nước trước kỳ hạn, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Pác Nặm, cho rằng, khi thanh lý hợp đồng phải hài hòa, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Công ty Thăng Long cần hỗ trợ số kinh phí thỏa đáng và hợp lý cho người lao động trong thời gian chậm đưa về nước khi xảy ra tranh chấp hợp đồng. Giải quyết nhanh gọn, dứt điểm những kiến nghị của các lao động liên quan đến việc thanh lý hợp đồng, tránh dây dưa kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời để các lao động ổn định công việc, an tâm sản xuất hoặc tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường khác../.