'Công ty tài chính không được đòi nợ bằng biện pháp đe doạ'

Thông tư của NHNN quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và thời gian đòi nợ từ 9 giờ đến 21 giờ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) về tín dụng đen vẫn đang hoành hành tại các địa phương, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Chính phủ đã có Chỉ thị 12, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành thực hiện giải pháp hạn chế vấn nạn này. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức. Thời gian vừa qua, đơn vị này đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống. 

[Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nhiều khách hàng chống đối trả nợ ngân hàng]

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.

Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Một điểm quan trọng nữa theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật.

Thống đốc cho biết hiện nay thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9 giờ đến 21 giờ.

Liên quan đến quản lý tài khoản ngân hàng trước thực trạng lừa đảo đối những người có tiền trong tài khoản thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã được ban hành đầy đủ, chi tiết. Cùng với sự phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số. Theo đó, trong tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử.

Theo bà Hồng, trên thực tế  các cá nhân khi mở tài khoản đều phải xác thực định danh của mình. Mở tài khoản điện tử cũng phải chứng minh nhân dân và căn cước. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua có hiện tượng lừa đảo để lấy thông tin, trộm tiền của chủ tài khoản...

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh để có những thông tin và giải pháp để cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục