Công ty phương Tây lên kế hoạch giảm phụ thuộc về nguồn cung đất hiếm

Một số công ty khai thác khoáng sản chủ chốt của phương Tây đang thảo luận các kế hoạch có thể nới lỏng sự kiểm soát của Trung Quốc với thị trường đất hiếm, hướng tới mức giá do thị trường quyết định.

Công ty phương Tây lên kế hoạch giảm phụ thuộc về nguồn cung đất hiếm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, một số nhà khai thác khoáng sản chủ chốt của Canada, Đức và Australia có kế hoạch đặt mức giá cao cho các kim loại chính được sử dụng trong xe điện, đồng thời hứa hẹn “chất lượng và sự đồng nhất,” nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trung Quốc nắm giữ tới 95% hoạt động sản xuất và cung cấp đất hiếm - kim loại không thể thiếu trong sản xuất nam châm cho xe điện (EV) và các trang trại phong điện. Điều này cho phép Trung Quốc định giá với khả năng kiểm soát xuất khẩu.

Giờ đây, các công ty khai thác mỏ như Aclara Resources và Ionic Rare Earths của Australia đang thảo luận các kế hoạch có thể nới lỏng sự kiểm soát của Trung Quốc đối với thị trường khoáng sản quan trọng, hướng tới mức giá do thị trường quyết định - các quan chức công ty nói với Reuters.

Công ty khai thác khoáng sản Neo Performance Materials của Canada và Vacuumschmelze của Đức cũng đang thảo luận các kế hoạch tương tự - các nguồn tin am hiểu vấn đề này cho hay.

Aclara Resources - công ty đang phát triển một dự án đất hiếm nặng ở Chile - cũng đang tìm cách khai thác kim loại đất hiếm nặng, chẳng hạn như dysprosium, và đang đàm phán với các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) để có được mức giá cao như một phần của thỏa thuận bao tiêu dài hạn.

Các kế hoạch nói trên - chưa được báo cáo trước đây - được đưa ra khi các công ty khai thác tìm cách hưởng lợi từ động thái của những quốc gia thuộc Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) nhằm khuyến khích hoạt động thu mua các kim loại quan trọng từ trong nước hoặc từ “những quốc gia thân thiện.”

Đổi lại, các nhà khai thác này mong muốn người dùng cuối phải trả phí.

Họ cho rằng căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc có nguy cơ gây rủi ro cho nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm đáng tin cậy. Nếu Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu như đã làm với các mặt hàng như germanium và than chì, nguồn cung có thể bị tổn hại hơn nữa.

[Các công ty xem xét sự phụ thuộc nguồn kim loại hiếm của Trung Quốc]

Tháng trước, Bắc Kinh đã công bố các yêu cầu về giấy phép xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì từ tháng 12 nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia.”

Chẳng hạn, giá hiện tại của neodymium - được sử dụng để chế tạo nam châm mạnh nhất thế giới - dao động trong khoảng từ 73-520 USD/kg và các công ty cho biết giá xuất khẩu ở Trung Quốc có thể cao hơn 30% so với mức giá niêm yết hiện tại.

Ramon Barua, Giám đốc Điều hành (CEO) of Aclara Resources, cho biết nguồn cung đất hiếm của phương Tây sẽ không phát triển nếu phụ thuộc vào giá cả của Trung Quốc.

Đòn bẩy Đạo luật Giảm Lạm phát

Các công ty khai thác tin rằng các nhà sản xuất sẽ phải chịu thêm chi phí do các luật mới liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị cũng như các ưu đãi về thuế như Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ; và cho rằng mức giá cao được đảm bảo cho các loại đất hiếm có nguồn gốc bền vững và đáng tin cậy là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Badrinath Veluri, chuyên gia trưởng tại Grundfos - một OEM có trụ sở tại Đan Mạch chuyên sản xuất máy bơm nước sử dụng nam châm đất hiếm, cho biết: “Điều mà chúng tôi với tư cách là OEM mong muốn là một sân chơi bình đẳng toàn cầu và điều đó đồng nghĩa với mức giá minh bạch, bền vững và đáng tin cậy.”

Công ty phương Tây lên kế hoạch giảm phụ thuộc về nguồn cung đất hiếm ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

MP Materials có trụ sở tại Mỹ và Lynas của Australia - hai công ty đất hiếm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc - chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Theo Reuters, việc phát triển các dự án khai thác đất hiếm có thể mất nhiều thập kỷ và tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư đã làm giảm khả năng tồn tại của một số dự án bên ngoài Trung Quốc.

Các công ty đã đề xuất các giải pháp thay thế về giá như bán tinh quặng đất hiếm theo giá thành sản xuất cộng với chi phí vốn, đảm bảo các mỏ vẫn có lãi. Một lựa chọn khác là giới hạn giá ở mức giá do các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc đưa ra, bảo vệ các OEM khỏi biến động giá mạnh.

Lựa chọn khác là tính đến mức giá mà các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc đưa ra và đặt mức trần cho mức giá đó, vì vậy ngay cả khi giá đất hiếm tăng vọt 100%, các OEM cuối cùng cũng không phải trả tiền cho những biến động đó.

Một quan chức ngành đất hiếm cho biết những cơ chế này có thể làm tăng giá thành của một chiếc xe điện sử dụng nam châm đất hiếm trong động cơ lên ít nhất 30-50%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục