Khoảng một tuần nay, nhiều công nhân làm việc tại Công ty Nam Phương, khu công nghiệp Tây Bắc huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, đã ngừng việc tập thể, tập trung trước cổng Công ty để yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp này trả lương và nợ bảo hiểm xã hội.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, công nhân Công ty Nam Phương cho biết chị đã làm việc ở Công ty này hơn 8 năm. Hiện nay, con gái và một số anh chị em họ của chị cũng đang làm việc tại đây và đều chung tình cảnh bị nợ lương tháng 12/2017.
“Hầu hết công nhân làm việc ở đây đều là lao động ngoại tỉnh, gia đình rất khó khăn; nhiều người quê ở tận miền Trung, miền Bắc. Việc bị nợ lương khiến chúng tôi lao đao đủ đường. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng nhiều người vẫn chưa xoay sở được tiền để mua vé về quê ăn Tết. Không chỉ nợ lương, hơn hai năm nay, Công ty cũng không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Công ty không hoạt động nữa thì chúng tôi cũng thất nghiệp, ở tuổi này rồi (40 tuổi) không biết có Công ty nào nhận nữa hay không?”, chị Hạnh chia sẻ.
Ngày 18/1, trả lời phóng viên về hướng giải quyết của Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Lao động HEPZA cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Phương là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực may mặc và đã gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian khá dài. Tính đến thời điểm hiện tại, 530 lao động đang làm việc tại đây bị Công ty nợ lương với tổng số tiền 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty này cũng nợ tiền bảo hiểm xã hội số tiền hơn 26 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra ngừng việc tập thể, HEPZA đã nhiều lần mời ông Nam Sungho, Giám đốc Công ty Nam Phương đến làm việc nhưng ông này vắng mặt. Để bảo đảm việc giải quyết quyền lợi cho các công nhân, HEPZA đã đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh đối với ông Nam Sungho và hướng dẫn tập thể công nhân khởi kiện đòi lợi ích hợp pháp.
Bên cạnh đó, Công đoàn HEPZA cũng đã lên danh sách 57 lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hai vợ chồng cùng làm việc trong Công ty, nữ công nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ để ưu tiên hỗ trợ. Trước mắt, mỗi trường hợp sẽ được hỗ trợ một phần quà Tết trị giá 600.000 đồng; công nhân ở xa, thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ sẽ được tặng vé xe, vé tàu về quê ăn Tết.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp khó khăn như Công ty Nam Phương và một số doanh nghiệp FDI ngành may mặc thời gian gần đây chỉ là cá biệt. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này không đầu tư cơ bản và chỉ khai thác các đơn hàng mùa vụ dẫn đến khó khăn về chi trả tiền lương, phải dừng hoạt động. Tính tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp may mặc của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn hoạt động ổn định và thực hiện tốt chính sách lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động./.