Công ty Nhật Bản thừa nhận làm giả dữ liệu thiết bị giảm chấn rung

KYB, nhà sản xuất và cung cấp thiết bị bảo vệ các tòa nhà lớn ở Nhật Bản khỏi các trận động đất vừa thừa nhận làm giả dữ liệu cho thiết bị giảm chấn rung.
Công ty Nhật Bản thừa nhận làm giả dữ liệu thiết bị giảm chấn rung ảnh 1Chủ tịch KYB Yasusuke Nakajima (giữa) đã phải cúi đầu xin lỗi. (Nguồn: asahi.com)

KYB, nhà sản xuất và cung cấp thiết bị bảo vệ các tòa nhà lớn ở Nhật Bản khỏi các trận động đất vừa thừa nhận làm giả dữ liệu cho thiết bị giảm chấn rung.

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản ngày 17/10 ra thông báo nhấn mạnh công ty KYB có trụ sở tại Tokyo và đơn vị trực thuộc Kayaba System Machinery đã làm sai lệch thông số liên quan hàng nghìn thiết bị Cản thủy lực (oil damper) được sử dụng trong gần 1.000 tòa nhà trên khắp Nhật Bản.

Các thiết bị này được sản xuất trong giai đoạn từ tháng 3/2000-9/2018.

Bộ trên từ chối tiết lộ tên các công trình bị ảnh hưởng, song truyền thông địa phương đưa tin nhiều khả năng trong số đó có Tokyo Skytree - một trong những tòa nhà cao nhất thế giới (634m), cũng như trụ sở của chính quyền thành phố Tokyo.

Ngay sau thông tin chấn động này, Bộ Đất đai Nhật Bản đã yêu cầu các công ty có liên quan khẩn trương thay thế các thiết bị bị ảnh hưởng, đồng thời điều tra và báo cáo nguyên nhân vụ việc.

[Nhật Bản: Lại xảy ra động đất mạnh 5,3 độ ở đảo Hokkaido]

Tuy nhiên, Bộ này cũng khẳng định những tòa nhà sử dụng các thiết bị sai thông số vẫn sẽ đảm bảo độ bền cho dù có xảy ra động đất ở mức cao nhất theo thang cường độ địa chấn của Nhật Bản.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 16/10, Chủ tịch KYB Yasusuke Nakajima đã xin lỗi cũng như thừa nhận các thiết bị giảm chấn rung của hãng được sản xuất trong giai đoạn tháng 1/2003-9/2018 "có khả năng cao bị giả mạo số liệu" và những sản phẩm ra đời kể từ tháng 3/2000 đến năm 2003 cũng có thể gặp vấn đề tương tự.

Thiết bị giảm chấn rung là bộ phận trong một hệ thống phức hợp được lắp đặt tại nhiều tòa nhà của Nhật Bản.

Thiết bị này hoạt động song song với những hệ thống được bố trí trong các trụ móng công trình để giảm thiểu tác động của động đất.

Nhật Bản nằm trên nút giao cắt của 4 mảng kiến tạo, nên mỗi năm thường hứng chịu nhiều trận động đất mạnh.

Do đó, việc đưa vào sử dụng thiết bị giảm chấn rung trở thành một giải pháp hữu ích giúp nước này thích ứng và giảm thiểu được những tác động xấu từ hoạt động địa chấn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục