Công ty Nhật Bản hoãn kế hoạch đưa tàu thứ 3 đổ bộ Mặt Trăng

Ispace cho biết việc trì hoãn triển khai kế hoạch đưa tàu thứ 3 đổ bộ Mặt Trăng là để công ty có thêm thời gian xử lý các vấn đề liên quan cung cấp thiết bị và bộ phận phục vụ sứ mệnh.
Thiết kế tàu đổ bộ thứ 3 của công ty Ispace mang tên "APEX 1.0."

Ngày 28/9, Ispace - công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp vũ trụ của Nhật Bản - cho biết công ty sẽ hoãn một năm đối với kế hoạch đưa tàu đổ bộ thứ 3 lên Mặt Trăng, theo đó dự kiến sẽ triển khai sứ mệnh này vào năm 2026.

Giải thích cho quyết định trên, Ispace cho biết việc trì hoãn triển khai là để công ty có thêm thời gian xử lý các vấn đề liên quan cung cấp thiết bị và bộ phận phục vụ sứ mệnh, đồng thời điều chỉnh thiết kể để chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ủy thác.

Ispace cũng công bố thiết kế tàu đổ bộ thứ 3 của công ty, mang tên "APEX 1.0," theo đó tàu có thể bay theo quỹ đạo ngắn hơn để đến được bề mặt của Mặt Trăng, nhưng tải trọng tối đa giảm 40% so với mẫu thiết kế trước đó, xuống còn 300kg.

Tàu này dự kiến chở khoảng 95 kg hàng hóa lên cực Nam của Mặt Trăng trong khuôn khổ chương trình dịch vụ chở hàng lên Mặt Trăng của NASA.

[Công ty Nhật tiếp tục nỗ lực chinh phục Mặt Trăng sau lần đầu thất bại]

Giám đốc điều hành và là người sáng lập Ispace, ông Takeshi Hakamada cho biết thiết bị khoa học mà NASA ủy thác cho công ty mang lên Mặt Trăng yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn về hấp thu rung động. Ngoài ra, việc mua một số bộ phận để xây dựng tàu đổ bộ đã bị trì hoãn.

Hồi tháng 4 vừa qua, Ispace đã thực hiện sứ mệnh đưa tàu vũ trụ đầu tiên của công ty đổ bộ Mặt Trăng, tuy nhiên đã thất bại do tính toán sai độ cao. Công ty dự kiến đưa tàu đổ bộ thứ hai lên Mặt Trăng vào năm 2024.

Ispace cho biết lịch trình triển khai sứ mệnh thứ hai vào năm 2024 không thay đổi.

Công ty Ispace có khoảng 200 nhân viên, trụ sở ở Tokyo. Ispace cho biết mục tiêu của công ty là mở rộng phạm vi cuộc sống của con người lên không gian vũ trụ, cũng như tạo ra một thế giới bền vững thông qua cung cấp dịch vụ vận chuyển lên Mặt Trăng với tần suất cao và giá thành thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục