Công ty khởi nghiệp Relativity Space muốn cạnh tranh với SpaceX

Để cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực khai phá không gian, Relativity Space đang mở rộng trọng tâm nghiên cứu và phát triển từ Terran 1 sang Terran R - một tên lửa in 3D có kích thước lớn hơn.
Terran 1, tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới, chuẩn bị rời bệ phóng tại Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ sáng 23/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ Relativity Space của Mỹ tuyên bố sẽ tập trung phát triển một tên lửa có kích thước lớn hơn nhằm thực hiện các dịch vụ phóng thương mại cạnh tranh với SpaceX và các công ty khác trong lĩnh vực khai phá không gian.

Hôm 22/3 vừa qua, Relativity Space đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa được chế tạo từ in 3D đầu tiên trên thế giới - mang tên Terran 1 - từ Căn cứ không quân Cape Canaveral tại bang Florida (Mỹ).

Mặc dù Terran 1 không đạt được quỹ đạo mục tiêu nhưng chuyến bay thử nghiệm đã chứng minh rằng tên lửa in 3D này có thể chịu được sự khắc nghiệt của quá trình cất cánh và bay vào vũ trụ.

Tên lửa Terran 1 có chiều cao 33,5m và đường kính 2,2m. Khoảng 85% các thành phần của tên lửa này được tạo ra bằng phương pháp in 3D dựa trên vật liệu hợp kim, bao gồm cả 9 động cơ Aeon 1 ở tầng thứ nhất và 1 động cơ Aeon Vacuum ở tầng thứ 2 của tên lửa. Tên lửa được thiết kế để có thể đưa khối lượng lên tới 1.250 kg vào quỹ đạo thấp của Trái Đất.

[Mỹ: Kế hoạch phóng tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới lại bị hủy]

Để cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực khai phá không gian, Relativity Space đang mở rộng trọng tâm nghiên cứu và phát triển từ Terran 1 sang Terran R - một tên lửa in 3D có kích thước lớn hơn và có thể tái sử dụng. Relativity Space dự kiến sẽ tiến hành các vụ phóng thương mại đầu tiên với Terran R vào năm 2026.

Hiện công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đang thống lĩnh thị trường phóng vệ tinh thương mại thế giới. Tên lửa Falcon 9 của SpaceX có khả năng đưa khối lượng nặng 22.800 kg lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Trong khi đó, tên lửa Terran R cao 82 mét, được thiết kế để có thể đưa khối lượng nặng 23.500kg lên quỹ đạo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục