Các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu và châu Á khi sản lượng tăng, nhằm không để giá trong nước lao dốc do dư cung.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong giai đoạn 2015-2020, sản lượng khí đốt của nước này tăng nhanh gần gấp đôi (trung bình 4,3%/năm) so với tiêu thụ (2,3%/năm).
Một phần lượng dư cung thay thế cho lượng nhập khẩu trước đây, nhưng phần còn lại được xuất khẩu qua đường ống hoặc dưới dạng LNG sang các thị trường ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Xuất khẩu LNG tăng mạnh lên 67 tỷ m3 trong năm 2020, từ mức dưới 1 tỷ m3 trong năm 2015 và nhanh chóng bắt kịp với lượng xuất khẩu bằng đường ống sang Canada và Mexico.
Xuất khẩu LNG chiếm hơn 7% tổng sản lượng khí đốt trong nước trong năm ngoái và vào cuối năm, tỷ lệ này lần đầu tiên đạt 10%.
[Mỹ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu LNG trong 5 tháng đầu năm nay]
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu LNG của Mỹ sang các thị trường châu Âu và châu Á là mạnh nhất, và sang các thị trường châu Mỹ và Trung Đông yếu hơn.
Trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu hàng năm sang châu Á tăng 22 tỷ m3, trong khi xuất sang châu Âu tăng 20 tỷ m3.
Trên các thị trường quốc tế, khí đốt của Mỹ cạnh tranh với LNG từ Qatar, Australia và Nga, khí đốt qua đường ống từ Nga và Trung Á tới châu Âu và Đông Á, và than cùng các nhiên liệu khác được sử dụng trong sản xuất điện và sưởi ấm.
Do vậy, việc đảm bảo tiếp cận các thị trường xuất khẩu trở thành một ưu tiên hàng đầu của ngành sản xuất khí đốt của Mỹ./.