Công ty Huawei chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ

Huawei đã cáo buộc Mỹ thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, sau khi Quốc hội Mỹ đánh giá công ty này mang tới các mối đe dọa gián điệp.

Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc hôm 24/10 đã cáo buộc Mỹ thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, sau khi Quốc hội Mỹ đánh giá công ty này mang tới các mối đe dọa gián điệp. Huawei cũng đề nghị công khai mã nguồn và trang thiết bị của công ty ở Australia để xóa đi nỗi sợ liên quan tới công ty.

Lãnh đạo Huawei ở Australia, John Lord, đã cam kết rằng công ty sẽ không bao giờ cho phép một quốc gia hay một cá nhân nào lạm dụng thiết bị của họ để phục vụ cho mục đích phi pháp. Huawei, vốn được thành lập bởi cựu kỹ sư Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Ren Zhengfei, đã bị cấm tham gia vào dự án phát triển mạng lưới Internet tốc độ cao ở Australia, vì lý do an ninh. Các mối lo ngại này cũng đã được Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ nhắc lại trong tháng này, khi họ cảnh báo các thiết bị do Huawei và công ty ZTE của Trung Quốc cung cấp có thể được dùng cho hoạt động do thám. Ủy ban đã kêu gọi việc loại 2 công ty khỏi mọi hợp đồng làm ăn với chính phủ.
[Vụ Huawei: Vì sao Mỹ e dè các công ty Trung Quốc?]
Lord đánh giá báo cáo của ủy ban trên là một dạng của chủ nghĩa bảo hộ. Ông nói rằng nó là một phần của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Lord, tương lai của Huawei phụ thuộc vào "sự minh bạch hoàn toàn" liên quan tới vấn đề an ninh và các vấn đề khác. Ông bác bỏ các nghi vấn về mối liên hệ của công ty với nhà nước Trung Quốc, rằng thông tin của khách hàng sẽ không được bảo vệ. "Huawei sẽ không bao giờ cho phép nước thứ 3 hoặc cá nhân thứ 3 can thiệp vào trang thiết bị của chúng tôi với mục đích phi pháp" - ông nói. "Vi phạm an ninh mạng là bất hợp pháp và chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai làm điều này... Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép trang thiết bị của mình bị sử dụng sai và tôi xin khẳng định mạnh mẽ quan điểm này" - ông tuyên bố. Theo Lord, Huawei đã ngạc nhiên và thất vọng trước việc bị cấm tham gia dự án băng thông rộng ở Australia và cho tới thời điểm này vẫn chưa nhận được lời giải thích nào. Ông kêu gọi việc thành lập một trung tâm thử nghiệm an ninh mạng độc lập, nơi các thiết bị được lắp đặt vào những mạng lưới thông tin chính và quan trọng của Australia có thể được đánh giá an ninh cẩn thận.
Công ty Huawei chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ ảnh 1
Ông nói rằng một trung tâm tương tự đã được thành lập ở Anh, nơi Huawei đang giúp tập đoàn viễn thông BT xây dựng mạng lưới truyền dữ liệu tốc độ cao quốc gia, dưới sự cho phép của các cơ quan an ninh quốc gia. Lord nói rằng việc đưa một công ty hoặc một đất nước vào danh sách đen là điều phi lý trong thời điểm hiện nay, bởi các công ty viễn thông lớn đều đã sử dụng trang thiết bị từ những nhà máy giống nhau đặt trên khắp toàn cầu. Ông cho biết khoảng 70% trang thiết bị của Huawei đã tới từ bên ngoài Trung Quốc./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục