Công ty Google thử nghiệm hạn chế truy cập tin tức tại Canada

Công ty Google xác nhận việc hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức tại Canada đã bắt đầu được triển khai vào đầu tháng 2 này và sẽ kéo dài 5 tuần.
Biểu tượng Google trên một màn hình điện thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Google ngày 23/2 xác nhận công ty này đã hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức ở Canada, triển khai thử nghiệm dự luật mới quy định các "đại gia" kỹ thuật số phải trả tiền cho nội dung báo chí tại địa phương.

Theo Google, việc hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức tại Canada đã bắt đầu được triển khai vào đầu tháng 2 này và sẽ kéo dài 5 tuần. Quyết định này hiện ảnh hưởng đến 4% người dùng công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới này tại Canada.

Người phát ngôn của Google - ông Shay Purdy cho biết công ty này đang "thử nghiệm nhanh các phản ứng tiềm năng" liên quan dự thảo Đạo luật Tin tức trực tuyến được công bố hồi tháng 4/2022 và đang được Thượng viện Canada xem xét.

Dự luật trên được soạn thảo nhằm mục đích vực dậy lĩnh vực báo chí "đang gặp khủng hoảng" ở Canada, theo đánh giá của Bộ trưởng Di sản của nước này - ông Pablo Rodriguez.

Hơn 450 cơ quan báo chí tại Canada đã phải ngừng hoạt động kể từ năm 2008, khi các nền tảng kỹ thuật số lên ngôi, trong khi hàng tỷ USD doanh thu từ quảng cáo từng "nuôi sống" các cơ quan nói trên hiện chủ yếu thuộc về hai công ty: Google và Meta.

[Google trước vụ kiện chống độc quyền có thể thay đổi ngành quảng cáo]

Dự thảo Đạo luật Tin tức trực tuyến được xây dựng nhằm buộc "các gã khổng lồ kỹ thuật số" thực hiện những thỏa thuận thương mại công bằng với các cơ quan tin tức tại Canada về những thông tin được dùng lại và chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến, nếu không sẽ phải đối mặt với chế tài.

Dự thảo Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada được xây dựng dựa trên Bộ luật thỏa thuận truyền thông mới của Australia, nhằm mục đích yêu cầu Google và Meta trả tiền cho những nội dung tin tức đăng trên nền tảng của các công ty này.

Bộ luật thỏa thuận truyền thông mới của Australia là bộ luật đầu tiên trên thế giới về việc các nền tảng trực tuyến sử dụng nội dung của cơ quan báo chí. Trước đó, nhà chức trách Australia cũng đã cáo buộc các "gã khổng lồ" trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến đã "rút tiền" của các cơ quan báo chí truyền thống khi sử dụng miễn phí nội dung của họ.

Google đã ký thỏa thuận với các tờ báo của Pháp về việc trả tiền nội dung đăng tải trên nền tảng này, sau khi Liên minh châu Âu (EU) năm 2019 đưa ra luật về các quyền liên quan.

Cuối năm 2021, hãng tin AFP của Pháp cũng đã ký một thỏa thuận cho phép Google sử dụng các nội dung tin tức của hãng này trong vòng 5 năm, cũng như hai hợp đồng thương mại liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục