Công ty dược phẩm Đức bác tin cấp vắcxin độc quyền cho Mỹ

Thông báo của CureVac khẳng định công ty không có hợp đồng độc quyền với Mỹ để sản xuất loại vắcxin đang có nhiều hứa hẹn chống virus corona.
Nhân viên y tế làm việc với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Essen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo truyền thông Đức, hiện Mỹ đang tìm cách lôi kéo công ty dược phẩm CureVac của Đức để sản xuất vắcxin chế ngự virus corona.

Tuy nhiên, công ty có trụ sở ở Tübingen của Đức tối 15/3 đã tuyên bố công ty không có bất cứ hợp đồng độc quyền nào.

Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết thông báo của CureVac khẳng định công ty không có hợp đồng độc quyền với Mỹ để sản xuất loại vắcxin đang có nhiều hứa hẹn chống virus corona.

Ông Christof Hettich, Giám đốc điều hành và là một trong những sáng lập viên Công ty TNHH và Hợp danh Công nghệ sinh học Dievini Hopp (vốn nắm 80% cổ phần của CureVac) nêu rõ "chúng tôi muốn phát triển vắcxin cho toàn thế giới, không chỉ một vài quốc gia."

[Công ty Đức có thể sản xuất hàng loạt vắcxin liều thấp chống COVID-19]

Dievini Hopp bày tỏ hy vọng khi thành công trong việc phát triển 1 vắcxin hiệu quả chống virus corona, dược phẩm này có thể đến tay, bảo vệ và cứu giúp người dân không chỉ ở một khu vực mà trên toàn thế giới. Điều này cũng nhằm bảo vệ việc làm ở Đức.

Bản thân CureVac cũng tuyên bố công ty phát triển vắcxin nhằm mục đích cứu giúp bệnh nhân trên toàn thế giới, đồng thời công ty sẽ không bình luận về những suy đoán và bác bỏ mọi đồn đoán về đề nghị mua lại công ty hoặc công nghệ của công ty.

Về triển vọng điều chế vắcxin, Giám đốc Công nghệ của CureVac, Mariola Fotin-Mleczek nói: "Tự nhiên đã tạo ra các cơ chế để kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người chống lại các bệnh truyền nhiễm. Với công nghệ RNA độc đáo, CureVac bắt chước tự nhiên và cung cấp cho cơ thể thông tin về cách chống lại virus. Việc kết hợp giữa công nghệ mRNA, sự hiểu biết về bệnh, công thức và chuyên môn sản xuất khiến CureVac trở thành địa chỉ độc đáo để chống lại bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, bất kể đó là dịch theo mùa hay đại dịch."

Trước đó, nhiều tờ báo Đức đưa tin nước này và Mỹ đang "giằng co" xung quanh công ty dược CureVac. Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Kinh tế Liên bang Đức không đề cập trực tiếp, song cho hay "chính phủ Đức rất quan tâm tới việc sản xuất các hoạt chất và vắcxin ở Đức và châu Âu."

Theo báo Thế giới Chủ Nhật (WaS) của Đức, chính phủ Mỹ đang tìm cách tiếp cận CureVac và muốn giành độc quyền vắcxin mà công ty này đang nghiên cứu sản xuất.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho rằng thông tin mà báo chí Đức nêu đã bị "nói quá." Chính phủ Mỹ đã thảo luận với hơn 25 công ty dược để có thể phát triển vắcxin chống virus corona, khẳng định Mỹ sẽ thảo luận với bất cứ công ty nào có thể giúp sản xuất vắcxin và mọi giải pháp sẽ được chia sẻ với thế giới.

Theo CureVac, tới tháng 6 hoặc tháng 7 tới, công ty này sẽ có được vắcxin thử nghiệm và sau đó sẽ xin cấp phép để thử nghiệm trên người.

Ông Florian von der Mülbe, Giám đốc sản xuất và đồng sáng lập CureVac cho biết phương thức sử dụng vắcxin liều thấp để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống bệnh sẽ được áp dụng để phòng virus SARS-CoV-2.

Ông Mülbe cũng cho hay CureVac có thể sản xuất tối đa 10 triệu liều mỗi chu kỳ sản xuất, thường kéo dài khoảng vài tuần. Theo ông, công ty đã nghiên cứu nhiều loại vắcxin và đang chọn 2 loại tốt nhất để tiến hành thử nghiệm lâm sàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục