Trong bối cảnh Nhật Bản đã nối lại hoạt động cấp thị thực đối với khách du lịch quốc tế vào tuần trước, thì các công ty du lịch lại khá bối rối do không hiểu rõ các yêu cầu về nhập cảnh và cho rằng quyết định của chính quyền đưa ra có phần đột ngột.
Ngày 26/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo quốc gia này sẽ mở cửa đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 10/6, bước đầu chỉ cấp phép nhập cảnh cho du khách đến từ 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có tỷ lệ lây lan virus SARS-CoV-2 thấp, theo diện đi tour du lịch.
Quyết định này dẫn đến hàng loạt thắc mắc từ các công ty lữ hành trong lẫn ngoài nước.
Quản lý tại một công ty lữ hành cho biết nhiều doanh nghiệp không hề biết rằng giờ đây, khách du lịch cần phải xin thị thực để nhập cảnh.
[Nhật Bản mở cửa du lịch lần đầu tiên sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19]
Trước đại dịch COVID-19, Nhật Bản từng cung cấp dịch vụ du lịch miễn thị thực cho hành khách từ 68 quốc gia và khu vực, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.
Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các biện pháp hạn chế biên giới được áp dụng nhằm chống dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc hiện nay, "bất cứ ai cũng cần xin cấp thị thực để nhập cảnh vào Nhật Bản."
Nhiều công ty lữ hành nước ngoài cũng không biết rằng để xin cấp thị thực, trước hết họ cần bổ sung thông tin của khách du lịch vào hệ thống của Bộ Y tế Nhật Bản - chưa bắt đầu hoạt động cho đến đêm 9/6.
Một công ty du lịch Hàn Quốc cho biết đã dự định lên kế hoạch cho các tour du lịch đến Nhật Bản trong tháng này, song vì phải hoàn thiện quy trình như yêu cầu nên giờ đây tour sớm nhất sẽ phải lùi sang tháng Bảy.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Du lịch Nhật Bản đưa ra ngày 7/6, các du khách sẽ phải đăng ký gói tour qua một công ty lữ hành, có các hướng dẫn viên du lịch đi kèm, đồng thời phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và mua bảo hiểm để chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe trong trường hợp họ mắc COVID-19.
Các công ty lữ hành phải nhận được sự chấp thuận của du khách về việc tuân thủ các biện pháp trên, đồng thời thông báo với họ rằng nếu không tuân thủ, họ sẽ không thể tham gia vào tour du lịch đó.
Trong suốt thời gian diễn ra tour du lịch, các công ty này cũng phải theo dõi việc di chuyển của các hành khách, lưu trữ thông tin về những nơi họ đã đến và các phương tiện giao thông công cộng họ sử dụng.
Đại diện hãng du lịch lớn của Nhật Bản JTB Corp cho biết các công ty du lịch phải phổ biến các thông tin này đối với khách du lịch để tránh phát sinh các vấn đề.
Trong khi đó, TAS Co. - công ty lữ hành chuyên cung cấp dịch vụ cho hành khách Đông Nam Á - cho biết đã chuẩn bị các bản hướng dẫn được dịch sang tiếng địa phương để giúp du khách dễ dàng nắm bắt tình hình.
Công ty này cho biết nhận được nhiều sự quan tâm của du khách và đánh giá nhu cầu du lịch Nhật Bản đang ở mức cao.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các công ty lữ hành quy mô vừa và nhỏ lại gặp khó khăn và trở nên sa sút sau 2 năm đại dịch, nên nhiều doanh nghiệp đã quyết định rút khỏi hoặc tạm ngừng hoạt động cung cấp tour cho khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản.
Trong số này có một cơ quan phía Tây Nhật Bản vốn từng tổ chức nhiều chuyến du lịch cho người Hồi giáo và một công ty điều hành có trụ sở tại Tokyo, chuyên cung cấp dịch vụ cho du khách Trung Quốc đến thăm Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida đã tuyên bố rằng Nhật Bản đang hướng tới việc dần mở cửa đón tiếp lượng du khách tương đương mức ghi nhận thời kỳ trước đại dịch, song việc nới lỏng các hạn chế biên giới song song với việc phải xây dựng lại ngành dịch vụ, có thể sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức./.