Công đoàn ngành dệt may Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại với toàn thể công nhân lao động Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông để trao đổi, giải thích rõ những kiến nghị mà người lao động đang quan tâm, bức xúc.
Đây là lần thứ 3 Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tổ chức đối thoại, tư vấn pháp luật, tuyên truyền đến người lao động với mục đích bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng lãn công, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.
Theo bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông, ngày 25/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 5255/QĐ-UBND về việc thu hồi 22.602m2 đất của Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tại địa chỉ 47 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân giao cho Công ty cổ phần bất động sản Dệt Mùa Đông - VID thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục phục vụ di dời, ngày 6/9/2015, công ty đã ra thông báo về kế hoạch di dời toàn bộ nhà máy về khu công nghiệp Thạch Thất (huyện Quốc Oai) và dự kiến hoàn thành di chuyển vào cuối tháng 10/2015. Công ty cũng yêu cầu trong thời gian này, toàn bộ cán bộ công nhân viên vẫn đi làm bình thường theo từng bộ phận.
Lo ngại việc di dời nhà máy ảnh hưởng đến cuộc sống, tập thể người lao động đã làm đơn gửi lãnh đạo Công ty đề nghị trả lời rõ về chế độ và phương án hỗ trợ người lao động. Sau một vài phương án giải quyết, hỗ trợ đưa ra chưa nhận được sự đồng tình của người lao động, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, ban lãnh đạo công ty đã có ý kiến đề xuất với Hội đồng quản trị về việc hỗ trợ cán bộ công nhân viên để nhanh chóng ổn định sản xuất tại địa điểm mới và đã được Hội đồng quản trị công ty thống nhất tại Thông báo số 25/2015/TB/CT ngày 22/10/2015.
Cụ thể, những cán bộ công nhân viên về địa điểm mới làm việc sẽ được hỗ trợ mỗi năm công tác 1 tháng lương, thời gian công tác tính theo thời gian làm việc thực tế tại Công ty. Những trường hợp do điều kiện không thể về địa điểm mới làm việc sẽ được trợ cấp thôi việc theo quy định của điều 48, Bộ luật Lao động năm 2012, mỗi năm công tác được trợ cấp 1/2 tháng lương. Ngoài ra, công ty hỗ trợ thêm 1/2 tháng lương cho mỗi năm công tác.
Thời gian tính trợ cấp thôi việc và hỗ trợ là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Thời gian chi trả hỗ trợ, đối với cán bộ công nhân viên tiếp tục làm việc tại địa điểm mới chia làm 2 đợt: Đợt 1, chi trả 50% tiền hỗ trợ sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký và cam kết. Đợt 2, chi trả 50% số tiền còn lại sau 3 tháng kể từ ngày chi trả đợt 1.
Đối với trường hợp không tiếp tục làm việc tại địa điểm mới, chi trả tiền hỗ trợ sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của điều 47, Bộ luật Lao động năm 2014.
Thời gian nộp đơn đăng ký, cam kết, đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 23/10 đến 25/10/2015; tất cả các trường hợp không nộp đơn đăng ký, cam kết, đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và vi phạm nội quy của công ty thực hiện theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động.
Theo bà Phương, công ty đã vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ cho người lao động; đặc biệt, những người đến làm việc tại địa điểm sản xuất mới công ty sẽ bố trí xe đưa đón; trường hợp tự túc đi lại được hỗ trợ tiền xăng; đào tạo nghề miễn phí; bố trí chỗ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…
Tuy vậy, cho rằng mức hỗ trợ trên chưa đúng quy định, chưa thỏa đáng, gần hai tháng qua và trực tiếp tại buổi đối thoại chiều 29/10, người lao động vẫn không nhất trí, tiếp tục đề nghị phía công ty phải hỗ trợ cho công nhân theo các điều khoản trong Quyết định số 86/2010/QĐ-TTG ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Người lao động yêu cầu công ty phải hỗ trợ nghỉ việc là 1 tháng lương và phụ cấp cho mỗi năm làm việc thực tế, 6 tháng tiền lương và phụ cấp để tìm việc mới; hỗ trợ ngừng việc là 1 tháng tiền lương và phụ cấp cho mỗi tháng ngừng việc, nhưng tối đa không quá 12 tháng; hỗ trợ học việc 12 tháng tiền học nghề tại cơ sở đào tạo dạy nghề.
Đối với công nhân tiếp tục phục vụ công ty tại nơi làm việc mới, công ty phải cam kết bằng văn bản về việc thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về pháp luật lao động, về tiền lương; phải thực hiện thanh toán đầy đủ chế độ, các khoản hỗ trợ cho công nhân trước khi di dời nhà máy.
Trả lời những kiến nghị trên của người lao động, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng cho biết, đây là vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của công ty và công đoàn ngành. Vì vậy, ngày 22/10, công ty đã có công văn số 27/2015/CV/CT gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các ngành chức năng như Sở Tài chính Hà Nội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề nghị xem xét, sớm có ý kiến trả lời bằng văn bản việc công ty và người lao động có được hưởng các chế độ theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg hay không?
Ngày 27/10, công ty lại có công văn số 31/2015/CV/CT gửi Sở Tài chính Hà Nội và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị trả lời kiến nghị trên của người lao động nhưng đến nay, thành phố và các sở, ngành chưa có ý kiến trả lời chính thức về việc này.
Đại diện Liên đoàn lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đề nghị trong ngày 30/10, công ty tiếp tục có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị họp liên ngành để giải quyết dứt điểm các kiến nghị trên của người lao động. Sau khi thành phố có văn bản trả lời, công ty phải thông báo công khai cho toàn thể công nhân lao động được biết, để hiểu, chia sẻ và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp./.