Chiều 4/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể để thẩm tra và thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo nêu rõ, năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng,” “không nghỉ,” “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.
Trong nhiều kết quả nổi bật, đáng chú ý là kết quả từ công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thụ lý 420 vụ án, 876 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can; tạm đình chỉ 12 vụ, 31 bị can; đình chỉ điều tra 5 vụ, 4 bị can; đang điều tra 183 vụ, 353 bị can.
Cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã khởi tố mới 240 vụ, 558 bị can về tội tham nhũng, tăng 9 vụ, 112 bị can. Tội phạm chủ yếu tập trung vào các tội “Tham ô tài sản,” “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” “Nhận hối lộ”...
[Phiên họp toàn thể lần thứ 13 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội]
Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, điển hình như vụ án Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đồng phạm bị khởi tố điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí;” vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ;” vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 còn chậm so với kế hoạch đề ra. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Công tác giám định, đánh giá tài sản có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn...
Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng...
Cũng tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đã trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” nhưng vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Góp ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận việc kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt, việc công khai, minh bạch tài sản của quan chức là việc phải làm nhưng vừa qua việc kiểm soát là chưa tốt.
Bên cạnh đó, hiện vẫn có tình trạng cán bộ từ cấp xã, phường trở lên "ngâm" việc, "ngâm" hồ sơ để nảy sinh tham nhũng. Để ngăn chặn tình trạng này, “cần quy định cụ thể thời gian xử lý hồ sơ, trả lời cho người dân và gia hạn cũng phải ấn định thời gian xử lý cho dân,” ông Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.
Đề cập đến hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã và đang trong quá trình xử lý mà báo cáo của Chính phủ nêu ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng các đối tượng trong những vụ án này "đều là quan chức" ở các cấp, loại hình cơ quan khác nhau.
"Chúng ta đã rút ra điều gì ở trong những sai phạm này. Các vị giữ vai trò lãnh đạo các địa phương có sai phạm và bị khởi tố điều tra thì sai phạm của họ điểm chung nhất là gì, nguyên nhân từ đâu cần rút ra để chỉ ra khâu yếu trong điều hành,” đại biểu Nguyễn Bá Sơn đóng góp ý kiến./.