Công tác phòng, chống bão số 3 Wipha tại Quảng Ninh, Tuyên Quang

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Quảng Ninh đã tập trung ứng phó với cơn bão số 3 chủ động, có kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu tỉnh tiếp tục chủ động với phương châm "4 tại chỗ,"
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra khu vực neo đậu tàu thuyền vào tránh trú bão tại Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra khu vực neo đậu tàu thuyền vào tránh trú bão tại Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 2/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 (Wipha) tại Quảng Ninh.

Qua kiểm tra thực tế cảng tránh trú bão tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long, khai trường Công ty cổ phần Than Hà Tu, khu tái định cư và tránh trú Hà Phong (Hạ Long, Quảng Ninh), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tinh thần phòng, chống bão là chủ động phương châm "4 tại chỗ," đặc biệt khi có sự cố xảy ra thì ứng phó kịp thời.

Đồng thời, các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, ứng trực, đề phòng các nguy cơ trước, trong và sau bão.

Theo dự báo, bão số 3 có diễn biến rất phức tạp với nhiều khả năng đổ bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, vì vậy cần chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra.

Cơn bão số 3 di chuyển chậm và di chuyển đúng thời điểm triều cường và gió mạnh có thể duy trì rất lâu nên rất nguy hiểm cho các thuyền, bè trên biển, cũng như cũng như người dân ở vùng ven biển.

[Photo] Phó Thủ tướng kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 ở Quảng Ninh

"Yêu cầu là không được chủ quan, trước hết, để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phải rà soát những tàu thuyền chưa vào tránh trú bão để yêu cầu vào bờ; đồng thời tập trung tránh trú tốt cho những tàu đã vào bến, tránh hư hỏng, thiệt hại" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ứng phó với cơn bão số 3 chủ động, có kinh nghiệm. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục chủ động mọi phương tiện, lực lượng với phương châm "4 tại chỗ," kịp thời xử lý những sự cố xảy ra, giảm thiệt hại đến mức tối thiểu nhất cho người dân, đặc biệt là tính mạng và tài sản người dân, bảo vệ công trình xây dựng, cơ sở sản xuất.

Lực lượng chức năng phải yêu cầu người dân không được có mặt tại những nơi nguy hiểm như lồng bè; tập trung rà soát người dân ở vùng ven biển, những khu vực dễ xảy ra sạt lở, thậm chí phải cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết. Đồng thời, tỉnh có phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng núi, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Qua kiểm tra thực tế tại khai trường than, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn cho các khu khai trường, hầm lò và bãi thải.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, do đó cần rút kinh nghiệm những năm trước, không chủ quan, hết sức tập trung đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động cũng như người dân xung quanh khu vực khai thác, đảm bảo an toàn cho các thiết bị, máy móc hầm lò...

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, hệ thống tàu đánh bắt cá xa bờ và tàu cá đã về bờ tránh trú bão, gần 10 nghìn lồng bè đã được kiểm tra an toàn. Các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn đã đảm bảo đưa du khách về bờ an toàn, các tàu đã về nơi tránh trú bão. Đặc biệt, các nơi nguy cơ sạt lở, tỉnh đã cho di dời dân, trong đó tỉnh đã phải cưỡng chế di dời 2 hộ dân ở Cẩm Phả và Hải Hà do có nguy cơ sạt lở cao.

Lực lượng thường trực chống bão của tỉnh trực 24/24 giờ, đồng thời huy động, phối hợp với lực lượng Quân đội, Công an trong công tác phòng, chống bão. Còn tại các khai trường, mỏ than, tỉnh và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh có các phương án chống sạt lở, chuẩn bị hệ thống bơm thoát nước và tổ chức ứng trực 24/24 giờ.

Trước diễn biến của bão số 3, lãnh đạo tỉnh đã đi tất cả các địa phương để kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và dừng những cuộc họp không cần thiết.

Công tác phòng, chống bão số 3 Wipha tại Quảng Ninh, Tuyên Quang ảnh 1Tàu thuyền vào neo đậu tại khu vực tránh trú bão của Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng 2/8, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện mưa, có nơi mưa rất to; mực nước sông Lô tại thành phố Tuyên Quang đang dâng khá cao, đạt 17,18m.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, đợt mưa này sẽ kéo dài hết ngày 4/8, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm; nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết; kiểm tra, cảnh báo các hộ gia đình ở ven sông suối, nơi vách núi, taluy cao, nơi thảm phủ thực vật thưa thớt, nơi rừng sản xuất mới được khai thác biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó, đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống, trượt, lở đất; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo giao thông thông suốt; kiểm soát người, phương tiện qua lại tại các khu vực đường tràn, ngầm, đường bị ngập, khu vực bến đò, không để người dân đi lại khi có mưa lũ xảy ra.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp an toàn công trình giao thông, thủy lợi (đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước), cầu, ngầm, tràn, đê, kè để đảm bảo an toàn công trình; tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Khi có thiên tai xảy ra chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của huyện, thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống sản xuất.

Thời gian qua, nhằm chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư 2 tỷ đồng, di chuyển 85 hộ dân thuộc các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình… đang sống ở vùng sạt lở nguy đến nơi an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục