Công tác phi chính phủ nước ngoài được Đảng, Nhà nước coi là một bộ phận quan trọng của đối ngoại nhân dân. Công tác này đã đóng góp rất tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như kết quả hoàn thành sớm các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Thành tựu đáng ghi nhận trong công tác phi chính phủ nước ngoài có được là nhờ nỗ lực từ những cá nhân, tổ chức triển khai dự án phi chính phủ nước ngoài, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác này.
Lan tỏa từ ước mơ phục vụ cộng đồng
Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, cô gái nhỏ nhắn sinh ra ở Cố đô Huế, từ khi còn đi học đã có mơ ước làm giáo viên để phục vụ cộng đồng. Đến khi chuyển hướng theo học ngành Lâm nghiệp tại Đại học Nông Lâm Huế, ước mơ được phục vụ cộng đồng của Quỳnh lại rẽ sang một hướng khác mà theo Quỳnh là có ý nghĩa và may mắn hơn cho cô.
Tốt nghiệp đại học, Quỳnh tiếp nhận công việc tại Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, rồi học tiếp hai năm thạc sỹ ngành khoa học môi trường tại Nhật Bản.
Về nước, Quỳnh tiếp tục làm việc cho dự án Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Thừa Thiên-Huế đến năm 2018.
Hiện tại, nơi làm việc của Quỳnh là huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, cô phụ trách hai dự án về xử lý rác thải: Dự án Phú Quốc-Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Dự án Quản lý rác thải ở đảo Phú Quốc, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tài trợ.
Phú Quốc là một trung tâm du lịch sinh thái nổi tiếng của Việt Nam với nhiều danh lam thắng cảnh và đặc sản ẩm thực.
Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo tỉnh Kiên Giang, bao gồm huyện Phú Quốc, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, Phú Quốc đang liên tiếp phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên bờ và dưới biển, do sự tăng trưởng dân số nhanh chóng cùng với công tác quản lý rác thải còn hạn chế. Các nhà máy xử lý rác thải và các bãi rác tạm hiện có trên đảo đều đang bị quá tải, trong khi rác vẫn "ùn ùn kéo đến," bình quân lên tới 150 tấn/ngày.
"Ngày mới đến đảo, mình được một người bạn chở đi một vòng bằng xe máy quanh thị trấn và chỉ những chỗ có rác. Dù đã được cảnh báo trước nhưng mình vẫn bị sốc trước tình trạng rác thải ở đây, rồi cứ nghĩ trong đầu rằng phải làm cách nào để nơi này sạch đẹp hơn," Quỳnh cho biết.
Theo Quỳnh, thuyết phục người dân nơi đây thực hiện các giải pháp hạn chế rác thải nhựa vô cùng khó khăn. Người dân thường tỏ ra ngần ngại trước những gì họ chưa bao giờ nghe đến.
Khi được đề nghị dừng cung cấp ống hút nhựa cho khách, chủ quán càphê, nhà hàng, các xe đẩy bán rong đều không muốn tham gia vì họ sợ gây bất tiện cho khách.
"Nếu thay thế ống hút nhựa bằng ống hút gạo, tre, giấy, họ lại cân nhắc chuyện lợi nhuận vì chi phí đều cao hơn ống hút nhựa. Nhiều nơi họ muốn thấy tất cả cùng làm, họ mới làm. Thời gian đầu, việc thuyết phục người dân giảm rác thải nhựa gần như không có kết quả, nhưng mình thấy không phải là không giải quyết được," Quỳnh hào hứng chia sẻ.
Chủ yếu bằng cách nói chuyện, tư vấn, chia sẻ, dần dần, nhóm dự án của Quỳnh đã tiếp cận được với một số chủ quán càphê trẻ. Vài người đồng ý, rồi họ lại giới thiệu thêm cho bạn bè cũng là chủ quán. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng là đối tượng chính của dự án.
Nhóm dự án của Quỳnh đã tới gặp từng nơi, thuyết phục họ không phục vụ nước đóng chai ở trong phòng. Đồ dùng phòng tắm như xà phòng, dầu tắm thay vì đóng chai nhựa, đóng vỉ thì đựng vào bình sứ tái sử dụng được...
Quỳnh vui vẻ cho biết tính đến tháng 10/2019, tại Phú Quốc, 18 khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cam kết tham gia giảm rác thải nhựa, đồng thời yêu cầu nhà cung cấp thực phẩm cho họ đưa hàng bằng hộp nhựa thay cho túi nylon.
Thời gian tới, nhóm của Quỳnh sẽ triển khai tập huấn thêm cho các nhân viên ngành dịch vụ về lợi ích và mục tiêu giảm rác thải nhựa.
Hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa từ những dự án trên của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, từ tháng 5/2019, Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện đảo Phú Quốc đã ngừng sử dụng chai nước nhựa để phục vụ các hoạt động hội họp, tiếp khách.
Mới đây nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Phú Quốc Mai Văn Huỳnh đã đưa ra cam kết bằng văn bản, thông báo rộng rãi chủ trương phát động chương trình hạn chế rác thải nhựa trên toàn huyện. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với Quỳnh và nhóm cán bộ thực hiện các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại địa phương.
Quỳnh tự tin cho biết: “Mình không quá lý tưởng rằng người dân có thể phân loại rác nhưng mình tin rằng trong 5 năm tới, tình hình rác thải nhựa ở Phú Quốc sẽ phải được cải thiện tới 50%."
Phối hợp để thành công
Câu chuyện của Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh tại Phú Quốc chỉ là một trong hàng trăm nghìn ví dụ điển hình cho những đóng góp của công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) cho biết là đơn vị trực tiếp xúc tiến công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) đã bám sát vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các quy định của Chính phủ liên quan đến công tác này.
Cụ thể là việc tập trung thông tin cho các địa phương và các đối tác Việt Nam về bản chất cũng như ý nghĩa của công tác phi chính phủ nước ngoài, để qua đó các địa phương, đối tác có cách tiếp cận và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Cùng với đó, Ban Điều phối viện trợ nhân dân tích cực chia sẻ thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giúp các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai chương trình, dự án thuận lợi.
Mặt khác, Ban Điều phối viện trợ nhân dân cũng chia sẻ thông tin về nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương đến với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua chương trình kết nối làm việc, hội nghị tăng cường hợp tác cũng như thông qua các kênh truyền thông hiện đại. Đồng thời, Ban Điều phối viện trợ nhân dân tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương làm công tác phi chính phủ nước ngoài.
Chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong việc quản lý nguồn lực phi chính phủ nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng khó khăn cơ bản nhất đối với quản lý nguồn lực phi chính phủ nước ngoài vẫn là sự hiểu biết của địa phương, của các đối tác về công tác này.
"Khi hiểu rằng việc có được các nguồn lực đến từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài là không hề dễ dàng, đặc biệt là có sự đóng góp của các cá nhân hết sức bình thường thì mới có sự phối hợp sử dụng nguồn viện trợ một cách hiệu quả hơn," ông Nguyễn Ngọc Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, một số địa phương, mặc dù đã chủ động hơn trong công tác phối hợp thực hiện các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài, nhưng vẫn chưa có giải pháp triển khai một cách hiệu quả nhất. Một điểm nữa là khoảng cách giữa quy định và việc thực hiện còn rất lớn. Điều này khiến việc hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức còn chậm trễ hơn so với quy định.
Trước những khó khăn, thách thức từ thực tiễn trên, Ban Điều phối viện trợ nhân dân vẫn tiếp tục bám sát nhiệm vụ và các biện pháp trọng tâm đặt ra trong Chương trình quốc gia vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2008-2013, 2014-2019 cũng như trong Chương trình hợp tác và vận động phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025.
[Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân]
Đặc biệt, Ban Điều phối viện trợ nhân dân nỗ lực tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu để hiểu rõ các xu hướng viện trợ hiện nay, các nhà tài trợ tiềm năng, cách làm việc với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài... để có cách tiếp cận phù hợp.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Ban Điều phối viện trợ nhân dân cũng thúc đẩy và cùng với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vận động các khoản viện trợ dành cho Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở việc đón nhận, hỗ trợ khi các tổ chức này mang nguồn viện trợ đến với Việt Nam.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với Ban Điều phối viện trợ nhân dân, ông Tạ Văn Tuấn, Trưởng Đại diện của Tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam (AOP Việt Nam) cho biết AOP Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Điều phối viện trợ nhân dân trong quá trình cấp giấy đăng ký hoạt động tại Việt Nam, việc triển khai dự án tại các địa phương cũng như các thủ tục liên quan đến quản lý nhân viên người nước ngoài làm việc cho tổ chức.
Đặc biệt, trong việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, nhờ sự hỗ trợ của Ban Điều phối viện trợ nhân dân, AOP Việt Nam đã có sự kết nối với các địa phương có nhu cầu thực hiện các dự án phát triển.
Để sự phối hợp giữa các bên ngày càng hiệu quả, góp phần tối ưu hóa nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, ông Tạ Văn Tuấn đề xuất quy trình thẩm định và phê duyệt các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các dự án viện trợ vẫn là khâu cần được cải thiện nhất. Các dự án phi chính phủ nước ngoài nên được định hướng quản lý về mặt hậu kiểm hơn là ưu tiên về thẩm định.
Bên cạnh đó, Ban Điều phối viện trợ nhân dân cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, thủ tục hành chính trực tuyến để quản lý, hỗ trợ việc đăng ký giấy phép, danh mục các dự án, báo cáo liên quan đến các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam./.