'Công tác người Việt ở nước ngoài sẽ được triển khai toàn diện, mạnh mẽ'

Công tác kiều bào sẽ tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xứng đáng với kỳ vọng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực, chiều 22/8, tại Hà Nội, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ Tư và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 chính thức bế mạc.

Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước,” tại phiên khai mạc, phiên diễn đàn và 4 phiên chuyên đề, các đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận toàn diện và sâu sắc về các vấn đề liên quan tới phát triển đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong phần tổng kết, đại diện chủ trì của từng phiên đã báo cáo những kết quả cụ thể và đề xuất, kiến nghị.

Ban Tổ chức ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đóng góp có trách nhiệm của các đại biểu và sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện hơn về các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại lễ bế mạc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong bà con tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tuân thủ pháp luật và hội nhập tích cực, đóng góp cho sự phát triển của sở tại, đoàn kết cộng đồng cùng nhau phát triển đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếng Việt, hướng về đất nước, tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí, lực cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Trong quá trình đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng, xứng đáng là mái nhà chung thắm tình nghĩa đồng bào.

Nhấn mạnh “muốn đi xa hãy đi cùng nhau,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng rằng với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, trên cơ sở nền tảng thành quả đã đạt được trong những năm vừa qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ ngày càng phát triển, đạt được những bước tiến xa hơn, vì một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, vững mạnh, phát triển, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Các cá nhân, tổ chức nhận bằng khen vì có những đóng góp quan trọng, nổi bật và tiêu biểu trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Giấy khen của Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho một số cá nhân, tập thể trong nước và kiều bào có những đóng góp quan trọng, nổi bật và tiêu biểu trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo chương trình, ngày 23/8, đoàn kiều bào tiêu biểu đến chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; đi thực tế tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và tham quan Nhà Quốc hội cùng một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội./.

Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự phiên khai mạc và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài đồng thời nhận được sự quan tâm tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và địa phương, các viện, trường đại học, hội doanh nghiệp trong nước, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Australia và Thái Lan.

Đặc biệt, Hội nghị chào đón 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã về dự Hội nghị, có tiếng nói tâm huyết đối với quê hương, đất nước, góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị và Diễn đàn.

Về nội dung, Ban Tổ chức nhận được hơn 100 tham luận từ các cơ quan trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hơn 70 tham luận của kiều bào đóng góp nhiều ý kiến quý báu về các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế-thương mại-đầu tư, đại đoàn kết dân tộc, chính sách pháp luật, văn hóa, tiếng Việt…

Trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức của kiều bào đã ký 10 Biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, truyền thông…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục