Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa 13 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014. Sau 10 năm thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở có chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Để làm rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở và những kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai Luật, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
-Thưa bà, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, bà đánh giá việc triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động như thế nào đến việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Qua sự đánh giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc đã khẳng định vị trí, ý nghĩa, vai trò công tác hòa giải trong đời sống, đặc biệt là góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Công tác hòa giải ở cơ sở đang làm nhịp cầu nối những bờ vui, nối yêu thương giữa con người với con người và mang lại sự bình yên trong từng ngôi nhà, từng khu phố, thôn xóm, bản làng.
Với tính chất công tác tự nguyện, thiết chế tự quản tại cộng đồng, công tác hòa giải cơ sở đang góp phần hóa giải những tranh chấp, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, biến những vấn đề lớn trở thành những vấn đề nhỏ, biến những vấn đề nhỏ trở thành không.
Những địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở, tình hình các vụ việc vi phạm pháp luật về hình sự giảm, tranh chấp, khiếu kiện, khởi kiện lên tòa án cũng giảm và có nơi không có.
Giá trị mang lại đó kết nối truyền thống văn hóa của Việt Nam, luôn luôn đề cao giá trị con người, đề cao tính nhân văn, kết hợp giữa cái lý, cái tình, giữa đạo đức và pháp luật. Điều đó đang được các hòa giải viên kết hợp một cách nhuần nhuyễn.
Không chỉ sử dụng các kiến thức pháp luật, các hòa giải viên còn sử dụng các vấn đề về đạo đức, văn hóa, truyền thống để phân tích, thuyết phục các bên trong các vụ việc hòa giải. Qua đó, người dân nhận thức được vấn đề đúng, sai, về sự nhường nhịn, về cái tình, cái lý phải tuân theo.
-Bên cạnh những kết quả tích cực, qua 10 năm thi hành Luật, bà nhận thấy những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đối với công tác hòa giải ở cơ sở là gì?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những khó khăn từ nhận thức cho đến nội tại hoạt động của các tổ hòa giải, năng lực, kiến thức của các hòa giải viên, các điều kiện đảm bảo cho các hòa giải viên và các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ cho công tác này.
Chẳng hạn là vấn đề về bầu hòa giải viên. Với tính chất tự quản, tự nguyện hoạt động nhưng chúng ta đang quy định vấn đề này mang tính chất hành chính hóa như: Quy định thành lập bầu tổ hòa giải, công khai danh sách hòa giải viên, tổ chức cuộc họp, bỏ phiếu kín. Không phải tất cả các địa bàn triển khai việc này đều thuận lợi, đặc biệt là đối với các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Việc triệu tập cuộc họp để bỏ phiếu, lấy ý kiến bầu hòa giải viên không phải dễ dàng.
Thực tế, tại một số địa phương phải đi đến từng nhà phát phiếu. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu trong thời gian tới để giảm bớt tính hành chính hóa, khuyến khích sự tham gia của đội ngũ hòa giải viên hơn, lựa chọn chính xác các hòa giải viên đúng tiêu chuẩn quy định nhưng vẫn phù hợp với tính chất công tác hòa giải ở cơ sở là thiết chế tự nguyện tại cộng đồng.
Vấn đề nữa là có quy định về thời hạn 5 ngày, các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác hòa giải nói chung, trong đó có hòa giải cơ sở phải cung cấp các tài liệu liên quan đến hòa giải khi được yêu cầu. Tuy nhiên, Luật Hòa giải ở cơ sở chưa có quy định về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên trong thực hiện vấn đề này.
Vấn đề tiếp theo liên quan đến khó khăn, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặc dù công tác hòa giải ở cơ sở đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, tuy nhiên không phải ở nơi nào, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được nhìn nhận đúng với vị trí, vai trò và ý nghĩa của nó.
[Hà Nội đưa Luật Hòa giải, đối thoại vào thực tiễn cuộc sống]
Không phải cấp chính quyền nào cũng dành sự quan tâm thỏa đáng đối với công tác hòa giải cơ sở; từ đó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề hướng dẫn, chỉ đạo, tạo các điều kiện đảm bảo cho hoạt động này.
Một khó khăn nữa của công tác này là trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của các hòa giải viên. Công tác hòa giải ở cơ sở đang sử dụng cái tình nhiều hơn để phân tích, thuyết phục mà vấn đề về mặt pháp lý, đưa vào giải quyết các vụ việc hòa giải vẫn đang là hạn chế. Đặc biệt, không phải ở địa phương nào cũng có sự phối hợp chặt chẽ và chủ động giữa các cơ quan, ban, ngành.
-Theo bà, hiện nay, đội ngũ hòa giải viên đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn chưa?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Với trên 540 nghìn hòa giải viên, đây là lực lượng vô cùng to lớn đang thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở. Họ chính là đội ngũ vô cùng nhiệt huyết, có uy tín trong cộng đồng, có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực.
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải hơn 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Điều đó thể hiện được rằng, đội ngũ này đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay thì đòi hỏi yêu cầu cao hơn về năng lực, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn luật, về kiến thức, kỹ năng và phương pháp thực hiện hòa giải.
-Để có những hòa giải viên vừa tâm huyết, vừa có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chúng ta cần có những giải pháp nào để phát triển đội ngũ hòa giải viên, góp phần tạo chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Chúng tôi cho rằng, việc đầu tiên phải bắt đầu từ nhận thức. Có sự chuyển biến về nhận thức thì sẽ có sự chuyển biến về hành động. Muốn đội ngũ hòa giải viên đáp ứng yêu cầu tốt hơn, các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn tới công tác này, có sự chỉ đạo sâu sát hơn, thường xuyên kiểm tra để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, cần có chương trình nâng cao kiến thức pháp luật cho hòa giải viên một cách thống nhất. Ở Trung ương phải chỉ đạo điểm đối với các tỉnh, thành phố và trên cơ sở đó, ở địa phương sẽ tiếp nối, nhân rộng để nâng cao năng lực cho hòa giải viên. Việc tập huấn đối với hòa giải viên ở cơ sở cần thực hiện thường xuyên và định kỳ hơn.
Nếu các địa phương có sự quan tâm, bố trí nguồn lực, kinh phí cho công tác này thì các điều kiện đảm bảo hoạt động cho các tổ hòa giải, hòa giải viên sẽ được thực hiện trong cuộc sống.
-Theo bà, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa như thế nào đối với công tác hòa giải ở cơ sở? Việc thực hiện lồng ghép hai vấn đề này cần thực hiện như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật luôn luôn “hai mà trong một”. Bởi, trong mỗi vụ việc hòa giải, hòa giải viên phải sử dụng các quy định pháp luật để phân tích, giải thích và để nâng cao nhận thức về vấn đề pháp luật cho hai bên, đưa pháp luật tới người dân.
Hai công tác này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, các giải pháp để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cũng là những giải pháp thúc đẩy cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
-Xin trân trọng cảm ơn bà!