Công tác cải cách, hoàn thiện thể chế, pháp luật được nâng tầm

Ngay từ khi được kiện toàn sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã tập trung, quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều công việc thường xuyên, đột xuất, nhưng ngay từ khi được kiện toàn (tháng 4/2021), Chính phủ đã tập trung, quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể.

Những quan điểm nổi bật về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là phải "bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo" để tháo gỡ nút thắt, bài toán cuộc sống đặt ra; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với giám sát, kiểm tra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm," lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Cải cách thể chế, pháp luật được nâng tầm

Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Triển khai tinh thần của Nghị quyết Đại hội, ngay từ khi được kiện toàn, Chính phủ đã tập trung, quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể.

Công tác hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai quyết liệt, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật.

[Cải cách thể chế, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch]

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phải xử lý nhiều vấn đề kịp thời, đột xuất, Chính phủ vẫn hết sức chú trọng các chương trình, đề án, dự án luật có tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lâu dài, không vì yêu cầu trước mắt, cấp bách mà bỏ quên, lơ là việc tính toán căn cơ cho tương lai trung và dài hạn.

Liên tục những tháng gần đây, Chính phủ đều tổ chức các phiên họp chuyên đề pháp luật.

Hai tháng đầu năm 2022, Chính phủ tổ chức 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật.

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022 tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Những ngày đầu năm 2022, Chính phủ còn phục vụ kỳ họp bất thường của Quốc hội, trình Quốc hội ban hành 1 luật sửa nhiều luật và 4 nghị quyết, tiếp tục hoàn thiện một bước các chính sách cho sự phát triển thời gian tới.

Những nghị quyết này tạo cơ sở pháp lý cần thiết để Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp áp dụng các biện pháp linh hoạt, đặc biệt, đặc thù, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với trọng điểm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế với những đột phá về chính sách nhằm tạo động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Đáng chú ý, công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc; sửa đổi, thay thế cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tiễn để giải quyết những vấn đề tồn đọng, gây thất thoát, lãng phí; trường hợp cần thiết, sẽ ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, chưa được quy định trong luật hoặc đã có nhưng có nhiều vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Một ví dụ nổi bật là tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã xây dựng, đề xuất ban hành "1 luật sửa 9 luật" và đã được Quốc hội thông qua. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Mục tiêu dự án luật này là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. "Một luật sửa 9 luật" đã giúp xử lý nhiều vấn đề từ phân cấp, phân quyền; những "nút thắt" giữa luật này với luật kia; giải quyết câu chuyện luật chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa cụ thể... nhằm giải quyết được những vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ví dụ như, Điều 23 của Luật Nhà ở lần này sửa đã tháo gỡ được vướng mắc thủ tục kiểu "con gà quả trứng" mà đó là nguyên nhân rất nhiều dự án bị ách tắc. Luật Nhà ở cũ yêu cầu, đối với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đất đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nhưng khi nhà đầu tư muốn chuyển đổi mục đích sử dụng thì lại được yêu cầu phải có dự án đầu tư. Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định, đất dự án chỉ cần phù hợp quy hoạch được chấp thuận, đã giải quyết được bất cập nêu trên.

Hay như đối với Luật Đầu tư, lần này sửa đổi, bổ sung để thực hiện phân quyền cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị... cũng có ý nghĩa giảm tải áp lực cho cơ quan Trung ương, rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, từ đó người dân cũng được hưởng lợi.

Những ví dụ trên có thể thấy Chính phủ đã nỗ lực sâu hơn, chủ động hơn, tích cực hơn về cải cách thể chế, pháp luật.

Nếu trước đây, Chính phủ nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc bằng giải pháp: một nghị định sửa nhiều nghị định, rồi bãi bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh, quy định,... qua "1 luật sửa 9 luật," cải cách thể chế, pháp luật được nâng tầm, thực hiện thành công ở cấp độ cao hơn.

Giải quyết vấn đề "bắc nước sôi chờ gạo"

Nhiệm kỳ mới với guồng máy mới, trong xu hướng đổi mới chung của các cơ quan xây dựng pháp luật, Quốc hội, Chính phủ đều có nhiều cải cách, đột phá.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có đánh giá rằng, một trong những đổi mới nổi bật của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ mới là đang chuyển mạnh từ trạng thái bị động, "bắc nước sôi chờ gạo," sang chủ động triển khai thực hiện quyền lập pháp và kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình lập pháp, từng bước khắc phục tình trạng "đun nước sôi chờ gạo," cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết.

Trong nhiều năm, tồn tại, hạn chế nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật là: một số dự án phải xin lùi thời hạn trình; một số dự án chưa được nghiên cứu kỹ khi trình, chưa bảo đảm chất lượng phải báo cáo và bổ sung nhiều lần; vẫn còn hồ sơ đề nghị xây dựng luật chất lượng chưa cao, không đảm bảo thời hạn, đến thời điểm sát kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đề nghị bổ sung.

Nguyên nhân của những vấn đề này là lãnh đạo một số cơ quan chưa chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật.

Khi đề xuất đưa các dự án, các cơ quan còn chưa dự liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng; Công tác phối hợp giữa các bộ vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số bộ chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, chưa huy động được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học...

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Là cơ quan soạn thảo, trình Quốc hội các dự án luật, Chính phủ cũng đồng hành với những đổi mới của các cơ quan lập pháp, xây dựng pháp luật.

Do đó, trong các phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành mình.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải "bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo" để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nút thắt, bài toán cuộc sống đặt ra, giảm sách nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với giám sát, kiểm tra; phân bổ nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hợp lý, hiệu quả cho công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với tháo gỡ vướng mắc về chính sách để huy động nguồn lực từ mọi nguồn hợp pháp cho đầu tư phát triển, luật pháp cũng đảm bảo tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tạo ra khung pháp lý, mở ra cơ hội để tập trung cho sự phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ những gì đã "chín," đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng thì tổ chức tổng kết, đánh giá, mạnh dạn thí điểm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Tình hình thực tiễn diễn ra rất nhanh, khó lường, khó dự báo, nên khi thiết kế chính sách phải có độ mở nhất định, để khi thực hiện có những phát sinh có thể xử lý được.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo, tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn và các đối tượng được điều chỉnh, tác động bởi chính sách để tranh thủ ý kiến, có luận cứ khoa học xây dựng pháp luật; đồng thời tham khảo bài học, quy định pháp luật của các nước trên thế giới để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam.

Bảo đảm tính "gối đầu" trong chương trình xây dựng luật

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật trong nhiệm kỳ có định hướng, kế hoạch rõ ràng, các thứ tự ưu tiên, tập trung tháo gỡ sớm những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và những yêu cầu cấp thiết.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022 của Chính phủ có định hướng ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ưu tiên nữa là các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với đại dịch.

Bên cạnh đó là các dự án luật nhằm chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật...

Chính phủ cũng xác định Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022 đảm bảo tính khả thi, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm.

Tinh thần là không đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đồng thời, phải bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2022 và 2023 sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh; phải bảo đảm tính "gối đầu" giữa Chương trình năm 2022 và năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục