Công tác bảo hộ công dân nước ngoài năm 2017 có nhiều nổi bật

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết trong năm 2017, Bộ Ngoại giao đề nghị phía nước ngoài trao trả và đưa về nước an toàn gần 2.000 ngư dân, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Công tác bảo hộ công dân nước ngoài năm 2017 có nhiều nổi bật ảnh 1Các ngư dân xếp hàng làm thủ tục trao trả ở Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Năm 2017 có thể đánh giá là một năm đầy biến động, tình hình an ninh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp trên cả khía cạnh an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Để công tác bảo hộ công dân phát huy hiệu quả toàn diện hơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp một cách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả hơn, đáp ứng sự quan tâm của dư luận và yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Những kết quả nổi bật

Trước bối cảnh đó, công tác bảo hộ công dân trong năm 2017 đã đạt được một số kết quả nổi bật như: 8.024 công dân Việt Nam ở nước ngoài (tăng 26% so với năm 2016), 126 vụ/245 tàu/1.977 ngư dân đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo hộ; đề nghị phía nước ngoài trao trả và đưa về nước an toàn gần 2.000 ngư dân, số lượng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó 934 ngư dân được đưa về nước trong hai đợt bằng tàu công vụ; thực hiện bảo hộ cho 14 doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế, giải quyết các rủi ro nảy sinh và tranh chấp thương mại với phía nước ngoài, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, điểm đáng chú ý của công tác bảo hộ công dân so với những năm trước là có những vụ việc chưa từng có tiền lệ như việc các tàu biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công và thuyền viên bị giữ làm con tin, việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và bị xét xử tại Malaysia. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới như: Mexico, Zimbabwe, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Ai Cập, Qatar, Trung Quốc... cũng xảy ra nhiều tình huống khủng hoảng (động đất, khủng bố, hỏa hoạn quy mô lớn, tai nạn ...) có số người thương vong lớn khiến Bộ Ngoại giao nhiều lần phải chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan triển khai các biện pháp ứng phó khủng hoảng, thực hiện công tác tìm kiếm, hỗ trợ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng.

Cũng theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, năm 2017 cũng là năm ghi nhận số cơn bão và áp thấp nhiều kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới). Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, chủ động đề nghị các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan tạo điều kiện cho 676 tàu, 1.245 ngư dân được di chuyển vào nơi an toàn để trú, tránh bão, đồng thời hỗ trợ việc cứu nạn đưa về nước 7 vụ/19 ngư dân ngư dân gặp nạn trên biển khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện công tác bảo hộ công dân, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, về cơ bản, công tác bảo hộ công dân thời gian qua đáp ứng sự quan tâm của dư luận và sự mong đợi của người dân. Tuy vậy, công tác này còn không ít khó khăn và thách thức, trong đó có vấn đề về nhân lực và kinh phí thực hiện. Trên thế giới có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng Việt Nam chỉ có 94 Cơ quan đại diện ở nước ngoài thực hiện công tác lãnh sự và bảo hộ công dân.

Nhiều Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiêm nhiệm một số nước, trong khi mỗi cơ quan chỉ có 5 -7 cán bộ, mỗi cán bộ phải thực hiện nhiều chức năng khác (chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, báo chí, tuyên truyền…). Do đó, những vụ việc xảy ra ở nước kiêm nhiệm hoặc các địa phương xa xôi, cách trụ sở Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hàng ngàn km, đi lại khó khăn, là cản trở lớn cho công tác bảo hộ công dân.

Về kinh phí, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã được thành lập, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn hỗ trợ theo nguyên tắc tạm ứng trước cho công dân gặp khó khăn, hoạn nạn để giải quyết các sự cố. Công dân có nghĩa vụ hoàn trả lại chi phí Quỹ đã tạm ứng. Các khoản hỗ trợ không hoàn lại từ Quỹ thường áp dụng cho những trường hợp bảo hộ thực sự đặc biệt, chi phí thấp. Nhiều trường hợp, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài rất khó khăn trong việc thu xếp nơi ăn ở, chữa bệnh, xử lý hậu sự cho công dân ta ở nước ngoài. Việc thu xếp hỗ trợ pháp lý cho công dân trong các vụ án ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí.

Tăng cường công tác bảo hộ công dân

Từ khi đi vào hoạt động, Tổng đài bảo hộ công dân đã thể hiện rõ chức năng là phương tiện hỗ trợ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo ra một kênh làm việc trực tiếp giữa Cục Lãnh sự với những người dân gặp khó khăn hay thân nhân của họ. Trao đổi về vấn đề này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, Tổng đài Bảo hộ công dân do Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) phối hợp triển khai cùng với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Kể từ khi khai trương vào tháng 2/2015, Tổng đài Bảo hộ công dân (+84 981 84 84 84) đã tiếp nhận, giải đáp, xử lý hàng nghìn vụ việc công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp.

Công tác bảo hộ công dân nước ngoài năm 2017 có nhiều nổi bật ảnh 2Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự lễ khai trương tổng đài bảo hộ công dân. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ những vụ việc đơn giản như mất giấy tờ, hộ chiếu ở nước ngoài cho đến việc can thiệp, bảo hộ khi quyền lợi của người lao động ở nước ngoài bị xâm phạm, đến việc đưa công dân, di/thi hài của các nạn nhân ở nước ngoài về nước trong trường hợp xảy ra thiên tai, khủng hoảng. Năm 2017, mỗi tháng trung bình tổng đài nhận được 200 cuộc gọi, phần lớn từ các công dân gặp khó khăn ở nước ngoài đề nghị hỗ trợ. Hiệu quả trả lời các cuộc gọi của nhân viên tổng đài đạt 94,41%. Mới đây, theo đề nghị của Cục Lãnh sự, mạng Viettel thực hiện việc gửi tin nhắn về Tổng đài đến tất cả các máy di động roaming của Viettel khi ra nước ngoài. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho công dân ta gặp khó khăn ở nước ngoài có thể kịp thời liên hệ với Tổng đài để được tư vấn, hỗ trợ.

Tình hình thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do căng thẳng gia tăng tại một số điểm nóng. Ngoài ra, những yếu tố an ninh phi truyền thống như khủng bố, bắt cóc con tin, tội phạm liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em... diễn biến bất thường, không thể lường trước, tiếp tục đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tình trạng di cư/lao động trái phép sang các quốc gia lân cận, các đường dây lừa đảo đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, buôn bán người diễn ra rất phức tạp với số lượng lớn; số lượng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển các nước vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu suy giảm. Đây là các thách thức lớn đối với công tác bảo hộ công dân trong năm 2018.

Để công tác này phát huy hiệu quả, toàn diện hơn nữa, trong thời gian tới, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng, kiện toàn các phương án bảo hộ công dân trong tình huống khủng hoảng phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về khả năng xây dựng Trung tâm xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp một cách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả hơn, đáp ứng sự quan tâm của dư luận và yêu cầu ngày càng cao của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục