Công suất các nhà máy điện than sẽ giảm còn 8.760 MW vào năm 2025

Đến năm 2025, nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 37,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, giảm 13% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh...
Công suất các nhà máy điện than sẽ giảm còn 8.760 MW vào năm 2025 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong cơ cấu nguồn điện mới có công suất nhiệt điện than sẽ giảm 8.760 MW vào năm 2025 và giảm 6.340 MW vào năm 2030, chủ yếu do các dự án chậm tiến độ và một số địa phương không đồng thuận phát triển nhiệt điện than.

Như vậy, năm 2020, nguồn nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 33,2% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, giảm gần 6.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; nhiệt điện khí, dầu chiếm 14,8%, không thay đổi so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thủy điện chiếm 30,1%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 20,3%, cao hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 10,3%. Tổng điện năng của điện gió và điện mặt trời đến năm 2020 đạt 12 tỷ kWh, vượt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo khoảng 3 lần.

Đến năm 2025, nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 37,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, giảm 13% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; nhiệt điện khí chiếm 13,7%, không thay đổi so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thủy điện chiếm 18,2%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 25,5%, cao hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh gần 13%.

Tổng sản lượng của điện gió và điện mặt trời đến năm 2025 sẽ đạt 36 tỷ kWh, vượt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo khoảng 2,6 lần.

Sang năm 2030, nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 33,6% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, giảm 9% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; nhiệt điện khí chiếm 19%, tăng 4% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thủy điện chiếm 13%; thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 27%, cao hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 6%.

[EVNNPT đầu tư 18.550 tỷ đồng triển khai các dự án truyền tải điện]

Về cơ cấu điện năng, nhiệt điện than chiếm 42%, thấp hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 11%; nhiệt điện khí chiếm 27,5%, tăng 10% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thủy điện chiếm 12,5%; thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 14%, cao hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 4%; nhập khẩu điện 4% , tăng 3% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tổng sản lượng  của điện gió và điện mặt trời đến năm 2030 đạt 55 tỷ kWh, vượt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo 4 tỷ kWh.

Đến năm 2030, công suất của các nhà máy điện sử dụng khí LNG là 12.750 MW (không tính các nhà máy cũ chuyển sang sử dụng khí LNG); trong đó 6.000 MW đã được quy hoạch trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh gồm các nhà máy điện: Nhơn Trạch 3 và 4 (công suất 1.500 MW); Sơn Mỹ I và II (4.500 MW).

Trong tính toán này, theo Ban Chỉ đạo, Nhà máy điện Kiên Giang (1.500 MW) - trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được quy hoạch sử dụng khí lô B phải chuyển sang sử dụng khí LNG. Theo số liệu cập nhật của Bộ Công Thương, khí lô B chỉ đủ cung cấp cho Trung tâm điện lực (TTĐL) Ô Môn nên nhà máy điện Kiên Giang, nếu xây dựng, thì phải chuyển đổi sang sử dụng khí LNG.

Theo Ban Chỉ đạo, địa điểm và phương án xây dựng nguồn cấp khí LNG cho nhà máy điện Kiên Giang không được đánh giá cao, nên cần thiết phải đánh giá, xem xét địa điểm khác thuận lợi hơn tại miền Nam để thay thế cho nhà máy này.

Như vậy, giai đoạn 2026-2030, tổng công suất các nhà máy điện sử dụng khí LNG cần bổ sung vào quy hoạch là 6.750 MW. Ngoài phát triển ở miền Nam, cần xem xét nghiên cứu phát triển các nhà máy điện sử dụng khí LNG khu vực miền Bắc để thay thế cho các nhà máy điện than Hải Phòng 3 và Vũng Áng 3.

Ngoài các nhà máy điện mới sử dụng LNG, các nhà máy điện hiện có thuộc TTĐL Phú Mỹ, Bà Rịa, Hiệp Phước, từ năm 2021 sẽ chuyển dần sang sử dụng khí LNG do nguồn khí Đông Nam Bộ cạn kiệt. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện  đang sử dụng khí Đông Nam Bộ phải chuyển đổi sang sử dụng LNG là khoảng 4.200 MW.

Tổng công suất nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển đến năm 2025 là 14.450 MW, đến năm 2030 là 20.050 MW. Theo Ban Chỉ đạo, hiện tại đã bổ sung vào quy hoạch 10.300 MW công suất. Như vậy, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 4.000 MW (tương ứng 5.000 MWp), giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung thêm khoảng 5.600 MW (7.000 MWp).

Bên cạnh đó, tổng công suất nguồn điện gió dự kiến phát triển đến năm 2025 cũng là 6.030 MW, đến năm 2030 là 10.090 MW. Hiện tại đã bổ sung vào quy hoạch 4.800 MW, theo Ban Chỉ đạo, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 1.200 MW, giai đoạn 2026-2030, bổ sung 4.000 MW.

Ban Chỉ đạo cũng cho biết, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung quy hoạch 2.500 MW điện nhập khẩu từ Lào, giai đoạn 2026-2030, bổ sung 2.400 MW cũng từ Lào.

Ngoài ra, để tích hợp khối lượng lớn nguồn điện gió và mặt trời trên, ngoài nhà máy thủy điện tích năng (1.200 MW) đã được quy hoạch, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung 1.200 MW pin tích năng, giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung 3.000 MW pin tích năng tại miền Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục