'Công phá' tâm lý sợ trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ là giải pháp quan trọng để loại bỏ tâm lý không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức.
'Công phá' tâm lý sợ trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 1Nghị định 73 khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Sau một năm "thai nghén," qua nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhiều lần chỉnh sửa, ngày 29/9 vừa qua, Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã được ban hành (Nghị định 73/2023/NĐ-CP).

Cán bộ sợ sai làm trì trệ hoạt động công vụ

Đây là một nghị định rất khó, bản thân những người chắp bút soạn thảo nghị định này cũng rất trăn trở với những câu hỏi “thế nào là Đổi mới Sáng tạo,” “quy định thế nào để thực sự bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”... khi mà cơ chế, chính sách pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, chưa theo kịp xu thế đổi mới và sáng tạo.

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức Nguyễn Tuấn Ninh, Bộ Nội vụ đã phải nghiên cứu rất thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo để vừa đạt được mục tiêu xây dựng cơ chế bảo đảm cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì việc chung, vừa động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhưng đồng thời cũng hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che cho những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Tình trạng cán bộ, công chức nhụt chí, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, không dám đổi mới, không dám sáng tạo để giữ cho mình được "an toàn" đang diễn ra ở nhiều nơi, trong các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ án, đại án đã và đang được điều tra, xét xử, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận tình trạng này làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Kỷ cương, kỷ luật hiện nay đang được siết chặt lại. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh.

Hàng loạt cán bộ, công chức bị kỷ luật, bị khởi tố, bị truy tố do sai phạm nghiêm trọng cũng đã dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.

"Phải xác định đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị… Những biểu hiện về đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, trước hết là Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng," Bộ trưởng Nội vụ phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, phải có thái độ rất rõ ràng về biểu hiện này. Chúng ta không thể bênh che với các biểu hiện này trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn. Tình trạng như vậy làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là “không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa." Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ là giải pháp quan trọng để loại bỏ tâm lý không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định, thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất...

Khi các quy định pháp luật chưa thể sửa trong một sớm, một chiều, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ cán bộ, công phá tâm lý sợ sai trong thực thi công vụ, để cán bộ, công chức phục vụ nhân dân tốt hơn.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách là “6 dám” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra. Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một bước cụ thể hóa các chủ trương này.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mặc dù đã có một số quy định của pháp luật về bảo vệ cán bộ nhưng còn chung chung, chưa có quy định trực tiếp về vấn đề nêu trên. Việc ban hành nghị định này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; quản lý cán bộ, công chức, tạo cơ sở phát huy sức mạnh ẩn tàng trong đội ngũ cán bộ giàu năng lực, có phẩm chất lâu nay chưa được kích hoạt.

[Bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm]

Đồng thời, Nghị định cũng sẽ tạo ra sự đồng bộ về pháp luật cho việc đánh giá, cất nhắc, đề bạt cán bộ đúng đắn, chất lượng hơn, góp phần tạo ra chính sách, pháp luật giúp các cấp, các ngành phát hiện, thu hút, trọng dụng, bảo vệ và bảo đảm cho việc sử dụng hiền tài, xây dựng hệ thống "nguyên khí" quốc gia.

Nghị định 73 quy định cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định.

'Công phá' tâm lý sợ trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 2Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, để đưa những nội dung liên quan đến khuyến khích, bảo vệ cán bộ vào trong luật. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Dù luật pháp được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng việc thực thi vẫn do con người. Nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức không bồi đắp, trui rèn phẩm chất đạo đức, việc tận dụng những quy định này thành công cụ để mưu cầu lợi ích cá nhân, bao che cho những sai phạm sẽ ngày càng tinh vi hơn.

Cơ quan nhà nước tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có năng lực, có phẩm chất, có cống hiến thực sự nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ quản lý, phải nâng cao trách nhiệm, trình độ, bản lĩnh chính trị trong công tác với ý thức phục vụ nhân dân cao nhất. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đổi mới quan điểm đánh giá, sàng lọc, quy hoạch đội ngũ cán bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục