Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết Hội đồng Cây Di sản Việt Nam thuộc Hội vừa công nhận thêm sáu cây cổ thụ của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, đưa tổng số Cây Di sản trong cả nước lên 3.526 cây.
Sáu cây cổ thụ vừa được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam gồm cây Gạo gần 900 năm, chu vi thân 11m ở thôn Sun, xã Cẩm Giàng, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Thành phố Hải Phòng có năm cây ở xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy được xét công nhận lần này. Đó là cây Đa hơn 300 năm bên ngôi đình và ba cây Nhãn gần 300 năm trong khuôn viên chùa thôn Vân Hòa (hai cây trước cửa Tam Bảo và một cây sau nhà Mẫu). Cũng thuộc xã Hữu Bằng còn có cây Đa cổ thụ hơn 250 năm ở chùa Ngọc Long, thôn Kim Đới 2.
Trong đợt xem xét hồ sơ lần này, nhiều cây cổ thụ chưa lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam do không gian sống đang bị xâm hại, chưa được cộng đồng địa phương quan tâm, hoặc do Hội đồng chưa thể xác định chính xác tên loài cây.
[Video] Độc đáo rừng cây pơmu di sản với muôn kiểu hình thù kỳ lạ
Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010, với tên gọi "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam" được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng.
Cây Di sản bao gồm những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất và chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
Việc lựa chọn và vinh danh Cây Di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học./.