Công nhân môi trường - những “chiến sỹ” tuần tra đắc lực ở Thanh Hóa

Hơn 400 công nhân tham gia mô hình Công nhân môi trường - “chiến sỹ” tuần tra được trang bị nhiều kỹ năng nghiệp vụ trong phát hiện, thông tin tội phạm, cung cấp cho lực lượng Công an xử lý kịp thời.
Công nhân môi trường trao đổi thông tin an ninh trật tự với lực lượng Công an. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Chỉ trong hơn một năm (2021-2022), các thành viên mô hình Công nhân môi trường - “chiến sỹ” tuần tra đã cung cấp cho cơ quan Công an thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trên 1.100 tin báo, trong đó, có hàng trăm nguồn tin được sử dụng để phục vụ công tác điều tra.

Mô hình này cùng nhiều mô hình khác đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Công an thành phố Thanh Hóa, trên địa bàn có 1.500 người nghiện ma túy, 300 đối tượng đang hưởng án treo và trong thời gian thử thách, gần 500 thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật. Đây được xem là những yếu tố tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự bình yên của cuộc sống cũng như phát triển kinh tế-xã hội.

Để duy trì tình hình an ninh trật tự, những năm qua, Công an thành phố đã triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm. Cùng với đó, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo 138 thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt mô hình Công nhân môi trường - “chiến sỹ” tuần tra được đánh giá cao.

Để xây dựng mô hình, Công an thành phố Thanh Hóa đã khảo sát và nhận thấy công nhân môi trường thường xuyên làm việc vào ban đêm trên những tuyến đường trên địa bàn thành phố, có điều kiện nắm bắt thông tin về hoạt động của các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật nên có thể giúp lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội.

Xuất phát từ thực tế trên, Công an thành phố Thanh Hóa đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Thanh Hóa xây dựng mô hình Công nhân môi trường - “chiến sỹ” tuần tra.

Từ tháng 3/2021 mô hình đi vào hoạt động. Để mô hình hoạt động hiệu quả, Công an thành phố Thanh Hóa tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hơn 400 công nhân tham gia; hướng dẫn công nhân nhận diện tình hình, đối tượng, phương pháp, cách thức thu thập thông tin về tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật để cung cấp cho lực lượng Công an.

Lực lượng Công an hướng dẫn công nhân xử lý tình huống phòng vệ khi trực tiếp đối mặt với đối tượng vi phạm pháp luật, in số điện thoại đường dây nóng của Công an thành phố để dán trên 1.534 xe chở rác.

Ngoài ra, lực lượng Công an và các công nhân này lập các nhóm zalo, facebook để thuận lợi trong việc trao đổi, nắm bắt tình hình an ninh, trật tự và hoạt động của mô hình.

Đến nay, hơn 400 công nhân tham gia mô hình Công nhân môi trường - “chiến sỹ” tuần tra đã khá thành thục các kỹ năng tự bảo vệ và tố giác tội phạm.

[Bộ Công an: Toàn quốc không còn tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc]

Chị N.T.H, một trong những công nhân có nhiều tin báo nhất cho biết, mô hình ra mắt, đi vào hoạt động giúp công nhân thêm niềm tin, động lực và yên tâm trong quá trình làm việc, đặc biệt vào khung giờ đêm khuya, rạng sáng. Ngoài ra, công nhân được trang bị nhiều kỹ năng, nghiệp vụ trong phát hiện, thông tin tội phạm, từ đó cung cấp cho lực lượng Công an giải quyết, xử lý kịp thời.

Lực lượng công an hướng dẫn nghiệp vụ ghi hình, lấy chứng cứ cho công nhân môi trường. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

"Ngày đầu khi thực hiện những cảnh quay để làm chứng cứ, nhất là những băng nhóm thanh trừng lẫn nhau, chúng tôi cũng sợ lắm. Được sự động viên và đằng sau chúng tôi còn có cả lực lượng Công an thành phố cùng các anh chị em trong công ty đồng hành nên tôi cũng vững tin hơn, thực hiện được nhiều tin báo có giá trị,” chị N.T.H chia sẻ.

Ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết, để động viên cán bộ, công nhân viên tích cực trong việc tố giác tội phạm, công ty thực hiện chế độ khen thưởng 2 triệu đồng/tin báo có giá trị.

Những cán bộ, công nhân viên nào có nhiều tin báo được xét nâng lương trước thời hạn và có nhiều hình thức khen thưởng khác vào dịp cuối năm.

Tại các hội nghị, buổi giao ban, công ty cũng lồng ghép tuyên truyền, khen thưởng cho công nhân có tin báo tố giác tội phạm. Thời gian tới, công ty hỗ trợ gói 4G cho công nhân để phục vụ công tác trao đổi thông tin, tố giác tội phạm.

Với những cách làm trên, qua hơn một năm, mô hình đã có 1.100 tin báo, trong đó, hàng trăm nguồn tin được chuyển hóa để phục vụ công tác điều tra.

Mô hình đã giúp lực lượng Công an bắt và khởi tố 11 vụ án về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy, bắt và khởi tố 11 vụ về hành vi trộm cắp tài sản, bắt và khởi tố 5 vụ về hành vi cố ý gây thương tích, phát hiện, vận động các đối tượng giao nộp 3 khẩu súng côn, 534 viên đạn…

Ngoài ra, thành viên tham gia mô hình đã giúp lực lượng Công an phường, xã, đội nghiệp vụ của Công an thành phố xác minh, làm rõ trên 250 vụ việc về an ninh trật tự, đặc biệt, làm rõ nguồn tin về các đối tượng trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Thượng tá Lê Ngọc Anh, Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa cho biết, mặc dù mô hình Công nhân môi trường - “chiến sỹ” tuần tra mới đi vào hoạt động được hơn một năm nhưng đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Công nhân môi trường thực sự trở thành cánh tay nối dài của lực lượng Công an. Kết quả của mô hình đã và đang lan tỏa tinh thần chủ động trong phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn thành phố.

Qua đó, mô hình này cùng với các mô hình “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự,” “Khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh trật tự,” “Camera với an ninh trật tự,” “Cựu chiến binh với công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học”… đã góp phần đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Với thành công của mô hình, thời gian tới, Bộ Công an sẽ cho nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng đến các địa phương trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục