Ngày 2/6, nhân dân xã Phước Tuy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ đón nhận quyết định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận hai cây đa cổ thụ tại đình Phước Tuy là Cây di sản Việt Nam.
Hai cây đa cổ thụ được công nhận là cây di sản được trồng ở sân đình Phước Tuy. Đặc biệt, cây đa ở phía bên phải của sân đình (tên khoa học là cây đa tía, nhân dân thường gọi là cây đa bà) nằm ngay gần đường dân sinh. Đây là một cây đa rất lớn, nhiều người ôm mới hết.
Cây đa tía tán rộng khoảng 30m. Gốc đa xù xì nổi gân guốc rêu phong, rễ bám sâu vào lòng đất để nuôi sống cây, tán cây tỏa rộng bóng mát.
Cây đa phía bên trái sân đình có tên khoa học là cây đa lông (nhân dân thường gọi là cây đa ông), tán cây không vươn xa, tỏa rộng mà lại vươn lên cao vút.
Hàng năm hai cây đa cho quả một lần vào tháng Tư và kết thúc vào tháng Tám âm lịch, quả đa non màu xanh vị chua, chát; khi chín có màu đỏ đen có vị ngọt. Cây đa tía cho quả chín ngọt hơn.
Theo các vị cao niên ở địa phương, hai cây đa này được trồng cùng thời điểm xây dựng đình Phước Tuy, tức là cách đây gần 200 năm.
Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Bến Tre đã có 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Năm 2014, cây bạch mai ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng, ở thành phố Bến Tre đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam./.