Công nhân các nhà máy điện hạt nhân Pháp tuyên bố đình công

Theo Nghiệp đoàn lao động CGT, nhân viên tại 16/19 nhà máy điện hạt nhân của Pháp nhất trí đình công kéo dài 1 ngày để phản ứng những cải cách lao động mà Chính phủ Pháp đang tiến hành.
Công nhân các nhà máy điện hạt nhân Pháp tuyên bố đình công ảnh 1Các xe bồn đến kho nhiên liệu ở Fos-sur-Mer (miền nam Pháp) ngày 24/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các công nhân làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân Pháp sẽ ngưng làm việc giữa lúc đang ngày càng có nhiều hành động phản ứng từ phía nghiệp đoàn về những cải cách lao động mà Chính phủ Pháp đang tiến hành.

Nghiệp đoàn lao động CGT cho biết nhân viên tại 16 trong tổng số 19 nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã nhất trí đình công kéo dài một ngày.

Hãng điều hành mạng lưới điện RTE cho biết công suất của các nhà máy điện hạt nhân đang bị giảm đi ít nhất 4 gigawatts, tương đương với 6% tổng công suất của cả nước. Điện hạt nhân hiện cung cấp khoảng 75% điện năng tiêu thụ trong cả nước Pháp.

Diễn biến này diễn ra giữa lúc các công nhân tại một kho chứa dầu lớn tại cảng Le Havre cũng đình công trong ngày 26/5, ảnh hưởng đến hoạt động nhập dầu. Cuộc đình công cũng lan sang ngành đường sắt Pháp với việc các lái tàu ngừng làm việc nhằm phản đối việc cắt giảm một số dịch vụ tàu cao tốc TGV, cũng như các tàu chạy trong khu vực và các tuyến tàu đông người đi làm.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố có thể thay đổi luật lao động, nhưng việc cải cách sẽ không bị rút lại.

Các cuộc đình công kéo theo bạo loạn đang tạo những áp lực lớn lên Chính phủ Pháp trong bối cảnh nước này sắp đăng cai vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016).

Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng Ba năm nay nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, để giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp dai dẳng tại quốc gia này. Tuy nhiên phe phản đối chỉ trích dự luật mới ảnh hưởng không nhỏ tới các quyền cơ bản của người lao động vốn luôn được luật pháp nước này bảo vệ.

Các hoạt động biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế. Song chính phủ khẳng định sẽ kiên định với những cải cách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục