Công nhân Boeing bỏ phiếu đình công sau khi từ chối thỏa thuận lương

Phần lớn công nhân Boeing không hài lòng với mức tăng lương 25% so với yêu cầu tăng 40% của họ, cũng như việc hợp đồng loại bỏ tiền thưởng hàng năm, vốn rất quan trọng với nhiều người lao động.
Các thành viên công đoàn Hiệp hội Công nhân Máy móc và Hàng không Vũ trụ Quốc tế diễu hành về phía hội trường công đoàn trước khi bỏ phiếu đình công. (Ảnh: AP)

Công nhân nhà máy của Tập đoàn Boeing ở Bờ Tây nước Mỹ đã tiến hành đình công vào sáng sớm 13/9 sau khi có tới 96% công nhân bỏ phiếu ủng hộ cuộc đình công.

Động thái này làm ngừng trệ việc sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, trong bối cảnh hãng này đang vật lộn với sự chậm trễ kéo dài trong sản xuất và nợ ngày càng tăng.

Đây là cuộc đình công đầu tiên của công nhân Tập đoàn Boeing kể từ năm 2008 và bắt đầu chỉ vài tuần sau khi CEO Kelly Ortberg mới được bổ nhiệm nhằm khôi phục niềm tin vào nhà sản xuất máy bay này sau hàng loạt sự cố thời gian qua.

Khoảng 33.000 công nhân của Boeing tại Seattle và Portland đã tiến hành bỏ phiếu về việc có nên đình công hay chấp nhận hợp đồng mới. Theo đó, hợp đồng mới của Boeing cam kết đầu tư thêm vào khu vực Puget Sound và tăng 25% lương cho người lao động trong vòng 4 năm.

Hiệp hội Công nhân Máy móc và Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IAM), đại diện cho công nhân, hy vọng hợp đồng này sẽ ngăn chặn được một cuộc đình công quy mô lớn.

Các nhà lãnh đạo IAM đánh giá thỏa thuận hiện tại là điều tốt nhất có thể đạt được mà không cần đình công.

Tuy nhiên, phần lớn công nhân không hài lòng với mức tăng lương 25%, cho rằng nó không đủ so với yêu cầu tăng 40% của họ và việc hợp đồng loại bỏ tiền thưởng hàng năm, vốn rất quan trọng với nhiều người lao động.

Họ cho rằng cuộc đình công sẽ buộc ban lãnh đạo Boeing phải đưa ra sự nhượng bộ lớn hơn.

Những điểm gây tranh cãi khác gồm có việc hợp đồng sẽ không khôi phục chế độ lương hưu, cũng như cam kết thiếu chắc chắn của Boeing về các dự án trong tương lai tại khu vực Seattle.

Tổng giám đốc điều hành mới của Boeing Kelly Ortberg cảnh báo cuộc đình công sẽ làm suy yếu các nỗ lực phục hồi của công ty và làm tổn hại đến mối quan hệ với khách hàng.

Các cuộc đình công trước đây, chẳng hạn như cuộc đình công năm 2008, đã kéo dài hàng chục ngày, gây thiệt hại lên tới 3-3,5 tỷ USD cho Boeing.

Các nhà phân tích cho rằng tại thời điểm này, việc gián đoạn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến các nỗ lực phục hồi của Boeing, tuy nhiên họ kỳ vọng công ty đã có kinh nghiệm để giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn so với các cuộc đình công trước đây.

Boeing đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ kể từ sự cố vào tháng 1 năm nay, khi một chiếc Boeing 737 MAX 9 do hãng hàng không Alaska Airlines vận hành đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một mảng thân máy bay bị bung ra trên không trung.

Boeing đã giảm tốc độ sản xuất dòng máy bay MAX và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm giành lại lòng tin của các cơ quan quản lý cũng như khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục