Ngày 18/4, Lễ hội chùa Long Đọi Sơn đã khai mạc tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Cùng với lễ khai mạc là lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Sùng Thiện Diên Linh hiện được lưu giữ tại chùa - ấn tích của một trong những trung tâm Phật giáo huy hoàng thời Lý, là bảo vật quốc gia.
Bia được đặt trong nhà bia kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong, trước tòa tiền đường chùa Đọi, trên núi Đọi, xã Đọi Sơn. Bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng vào năm 1121. Đây là bia của triều đình do Vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác, khác hẳn các bia thời Lý do quan lại, nhà sư hay dân địa phương chủ trì hưng công. Hình bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn văn bia và Thượng thư bộ công Lý Bảo Cung viết chữ để khắc.
Bia Sùng Thiện Diên Linh cao 2,5m, rộng 1,75m, dày 30cm, gồm ba phần bia, đài bia và đế bia đều được tạc bằng đá xanh. Bia được khắc chữ cả hai mặt, mặt trước tổng cộng có 4.257 chữ Hán. Mặt sau của bia độc đáo ở chỗ có nhiều nội dung và niên đại khác nhau (năm 1121, 1591, 1698) được thể hiện. Đặc biệt, bài thơ của Vua Lê Thánh Tông làm khi lên thăm chùa Đọi vào năm thứ tám niên hiệu Quang Thuận (1467) cũng được khắc ở mặt sau của bia.
Văn bia bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời và sự nghiệp của Vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt, đồng thời phản ánh triết lý duyên khởi của Phật giáo cũng như tình hình Phật giáo ở thời Lý.
Ngoài ra, văn bia còn ghi lại nhiều tư liệu lịch sử quý về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc xây dựng các chùa lớn, tháp cao như chùa Một Cột, chùa Long Đọi, tháp Sùng Thiện Diên Linh…, đặc biệt là Hội đèn Quảng Chiếu mở bảy ngày, bảy đêm ở Kinh thành Thăng Long, kết hợp hai tính chất Phật giáo và thế tục. Bia Sùng Thiện Diên Linh cũng ghi lại những tư liệu quý hiếm về nghệ thuật múa rối nước.
Giá trị của bia Sùng Thiện Diên Linh còn thể hiện qua các hình tượng mỹ thuật, có thể chiêm ngưỡng từ bốn phía (các bia khác chỉ chiêm ngưỡng mặt trước, mặt sau). Hình tượng rồng, mây, sóng nước… được thể hiện trên bia Sùng Thiện Diên Linh với những mô típ, hoa văn giàu cảm xúc thẩm mỹ cho thấy những thông điệp về triết lý Phật giáo, âm dương, tín ngưỡng dân gian và ý nguyện tha thiết của vị Vua thứ tư nhà Lý nước Đại Việt./.