Công nghiệp phụ trợ Việt Nam đủ sức đáp ứng cho một ngành sản xuất phát triển và dần bắt nhịp với các nền sản xuất hiện đại nhất trên thế giới, đó là những nhận định tại Triển lãm quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ lần thứ 14 mang tên “Triển lãm sáng tạo giá trị mới năm 2018” diễn ra tại Tokyo từ ngày 14-16/11.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, triển lãm do Bộ Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức với sự tham dự của khoảng 800 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam cũng tham dự triển lãm với 10 doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết những doanh nghiệp Việt Nam tham dự triển lãm đều là các doanh nghiệp ưu tú trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ với sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đã xuất khẩu cho các thị trường hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.
Trong triển lãm lần này, các doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Doanh nghiệp hai bên cũng có những buổi tiếp xúc quan trọng, thành công. Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể, nếu tiếp tục xu thế này có thể dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại triển lãm được phủ rộng hầu hết các lĩnh vực sản xuất từ điện, điện tử tới các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hàng hóa tiêu dùng.
[Tạo động lực thu hút FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất]
Ông Đinh Xuân Cường, Tổng giám đốc An Phát Holdings – doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam tham gia triển lãm, cho biết cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam là rất lớn.
Qua triển lãm lần này có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam như An Phát hoàn toàn có thể tự tin vươn tầm thế giới, hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, cũng như nước ngoài khác.
Chuẩn bị cho những bước đi sắp tới, tập đoàn An Phát đã xây dựng một khu công nghiệp lớn tại tỉnh Hải Dương, với đầy đủ cơ sở hạ tầng để mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản và nước ngoài hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Triển lãm “Sáng tạo giá trị mới,” được tổ chức thường niên, ban đầu chỉ là “sân chơi” của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên từ năm 2016, triển lãm bắt đầu mở rộng mời thêm những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiêu biểu của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam là quốc gia được mời ngay từ thời điểm ban đầu vào năm 2016 cho đến nay.
Đánh giá về hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, ông Shinichi Murai, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (SMRJ) – đơn vị tổ chức triển lãm, hoạt động với danh nghĩa hành chính độc lập thuộc Bộ Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới doanh nghiệp Việt Nam.
Với tăng trưởng kinh tế và sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam hiện tại, nếu doanh nghiệp Nhật Bản có sự hợp tác, điều này sẽ góp phần tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho cả hai bên.
Triển lãm sáng tạo giá trị mới năm 2018 với 3 chủ đề là kỹ thuật-công nghiệp, sức khỏe-phúc lợi và môi trường-xã hội đã bao quát hầu hết các lĩnh vực quan trọng của kinh tế xã hội.
Dựa trên 3 chủ đề này, triển lãm đã trưng bày những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0, như y tế thông minh, tự động hóa bằng robot, trí tuệ nhân tạo, IoT…
Tham gia Triển lãm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác kinh doanh với đối tác đến từ nhiều quốc gia, khu vực trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản./.