Được coi là lĩnh vực xương sống đối với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tuy nhiên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp, phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu.
Chính vì vậy, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng là một thách thức không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Đây cũng là những ý kiến nổi bật tại Hội thảo "Tham vấn Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/9, tại Hà Nội.
Nhiều năm công nghiệp hỗ trợ vẫn èo uột
Để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN nhằm phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp đến năm 2011, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo động lực cho lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, các chính sách trên dường như vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Theo bà Trương Thị Mỹ Bình, thành viên tổ soạn thảo Nghị định Công nghiệp hỗ trợ (Viện Chiến lược phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương), quyết định 12/QĐ-TTg chưa quy định rõ danh mục sản phẩm nào được ưu tiên mà chủ yếu đây chỉ là cơ chế xin cho, doanh nghiệp thiếu gì thì đề xuất và chỉ duy nhất một doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi thực hiện quyết định này.
Tổng kết lại những thất bại trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thời gian qua, bà Bình cho biết thêm, nguyên nhân chính vẫn là do dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn làm doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ước tính của ban soạn thảo thì trong 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ khoảng 200 doanh nghiệp trong nước tham gia được sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ôtô... lại bỏ ngỏ.
"Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam sẽ hướng mạnh đến các ngành công nghiệp chế tạo, nhưng nếu không quyết liệt sẽ không đạt được mục tiêu về công nghiệp hóa vào năm 2020," bà Bình nêu ý kiến.
Theo báo cáo của Viện Chiến lược Công nghiệp, tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó tại Thái Lan đã đạt 60% và Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.
Nhiều lĩnh vực không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể ngành công nghiệp ôtô đặt mục tiêu 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7% - 8%. Ngành dệt may có kế hoạch nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2013, ngành này vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.
Ngành cơ khí dự kiến 2020 nội địa hóa 75% nhưng công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản. Ngành điện tử nội địa hóa gần 20% nhưng thực chất chưa có công nghiệp điện tử mà chỉ mới có ngành lắp ráp điện tử.
Thêm chính sách hỗ trợ
Đặc điểm của ngành công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp phải đầu tư chuyên sâu các máy móc chuyên dụng, có trình độ công nghệ tiên tiến để tham gia vào chuỗi liên kết. Đồng thời, các doanh nghiệp phải có mặt bằng và môi trường thuận lợi cho tổ chức sản xuất và hợp tác liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp, bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp cũng là việc cần kíp.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, cần phải xác định rõ rằng công nghiệp hỗ trợ là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp.
Làm rõ hơn, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, cụ thể đó là các ngành dệt may, cơ khí-điện tử, lắp ráp máy… Các ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
"Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn," ông Hoài nói.
Đồng tình ý kiến trên, theo thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng, nhiều năm qua Chính phủ đã có định hướng về ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng việc hiểu cách hỗ trợ thế nào cho đúng cần sự tham vấn của doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo ra sự lan tỏa chung.
"Nhằm thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để Nghị định sớm được ban hành thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh về chất lượng, về giá cả theo các cam kết quốc tế," thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
Để tạo động lực mới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào cuối năm 2014 sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.
"Mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp hỗ trợ là đến năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ bản đáp ứng 45% nhu cầu trong nước và nâng lên 60% vào năm 2025," lãnh đạo Bộ Công thương cho hay./.
Dự thảo Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ đề xuất việc áp dụng thí điểm đến năm 2020, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng được miễn 50% so với mức thu nhập cá nhân thông thường áp dụng cho chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ với thời gian tối đa 1 năm.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư từ từ Quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ với lãi suất không quá 80% lãi suất vay thương mại, và thời gian vay lên đến 10 năm; và có thể được Qũy tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ xem xét bảo lãnh.
Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được gia hạn nộp thuế 6 tháng kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế lần đầu theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.
Nhằm đảm bảo cho việc phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ dành nguồn vốn 30.000 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó Vốn điều lệ của Quỹ do Ngân sách nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng, hai năm đầu tiên mỗi năm cấp 500 tỷ đồng, năm thứ ba cấp 1.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của Quỹ do Thủ tướng Chính Phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương sau khi thống nhất với Bộ Tài Chính./.