Mặc dù vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh...) được coi là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng các ngành công nghiệp công nghệ cao ở khu vực này mới bắt đầu được hình thành.
Điều này khiến cho thị trường sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ là nhà hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài.
Công nghiệp hỗ trợ thiếu và yếu
Theo khảo sát năm 2013 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm so với nhu cầu.
Tỷ lệ số lượng các nhà cung ứng trên các doanh nghiệp lắp ráp hạ nguồn tại ba địa phương này chỉ là 2,07, trong đó thấp nhất là ngành cơ khí (1,7) và cao nhất là ngành ôtô (5,0), trong khi tỷ lệ này đối với ngành điện tử của Thái Lan là khoảng hơn 50.
Trong khi đó, để nâng cao sức cạnh tranh, cắt giảm chi phí, nhu cầu mua các bộ phận, linh kiện với giá rẻ từ các doanh nghiệp cung ứng trong nước, thay vì phải nhập khẩu là rất lớn.
Tuy vậy, năng lực của công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao trong vùng mới ở dạng tiềm năng, hầu như chưa có doanh nghiệp nào chuyên sản xuất cho các ngành này nên phần lớn phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngành da giày, dệt, may cũng gặp bất lợi do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, các nguồn nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhu cầu là vậy nhưng công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tỷ lệ nội địa cho doanh nghiệp FDI.
Thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ cung ứng nội địa cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam năm 2013 là 32,2% (năm 2012 là 27,9%).
Tỷ lệ này có tăng nhưng so với một số nước khác, còn khá hạn chế (tỷ lệ tương ứng năm 2013 tại Thái Lan là gần 52%, Indonesia xấp xỉ 41%).
Thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam chậm đổi mới công nghệ, không đáp ứng được yêu cầu cung ứng linh kiện của các nhà các lắp ráp, sản xuất thành phẩm.
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp công nghệ cao thường nhắm đến các địa điểm có hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển để giảm thiểu chi phí và để đảm bảo nguồn cung ứng các yếu tố đầu vào không bị gián đoạn.
Do Việt Nam chỉ mới phát triển công nghệ cao trong 5 năm gần đây, hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ hầu như không có hoặc còn rất manh mún. Điều này làm tăng chi phí đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam cũng như tính rủi ro cao hơn.
Hiện tại các doanh nghiệp công nghệ cao FDI đã hoạt động đều phải nhập gần 90% thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài.
Về mặt giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém đồng nghĩa với việc phần lớn giá trị gia tăng tạo nên thuộc về các nhà đầu tư FDI và các nhà cung ứng nước ngoài.
Về công nghệ, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, sự lan tỏa theo ngành ngang, tức là sự lan tỏa về công nghệ của doanh nghiệp FDI đối với các doanh nghiệp nội địa có hoạt động tương tự rất hạn chế.
Chính sự lan tỏa theo ngành dọc giữa các nhà lắp ráp với các nhà cung ứng linh phụ kiện mới là đáng kể, vì đáp ứng nhu cầu từ cả hai phía.
Nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam sẽ đánh mất phần lớn giá trị và công nghệ mà việc thu hút đầu tư nước ngoài đem lại.
Sản xuất còn manh mún
Qua theo dõi trực tiếp các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp, ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho rằng các doanh nghiệp FDI có trình độ chuyên môn hóa và phân công lao động trong công nghiệp rất chuyên sâu. Họ có sẵn nguồn tiêu thụ rộng lớn, mối liên kết dọc giữa nhà sản xuất với nhà cung ứng đầu vào và những nhà sản xuất sử dụng sản phẩm rất chặt chẽ.
Cái hay của họ không chỉ về kỹ thuật mà trong cả liên kết tạo chuỗi sản xuất, trong đó mỗi doanh nghiệp là một mắt xích trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế nên vẫn chưa tạo được sự lan tỏa sang lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nằm trong khu công nghiệp không nổi bật như các doanh nghiệp nước ngoài, mà chỉ sản xuất những chi tiết còn đơn giản, sản xuất sản phẩm thô cung cấp cho các doanh nghiệp hỗ trợ hay còn gọi là “hỗ trợ của hỗ trợ.”
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn của vùng, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đang phát triển ở mức yếu. Số liệu từ Ban quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 371 doanh nghiệp trong nước sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chiếm hơn 47% các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại khu chế xuất-khu công nghiệp trên địa bàn, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho các ngành cơ khí, dệt may, bao bì...
Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước có giá trị gia tăng thấp và hầu hết chưa tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu nên khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng kém, giá thành sản phẩm cao, do đó chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
Trong khi đó, có đến 261 doanh nghiệp FDI thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm gần 53% tổng doanh nghiệp FDI hoạt động tại khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ôtô...
Sản phẩm của các doanh nghiệp này chủ yếu được xuất khẩu nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu, như Công ty trách nhiệm hữu hạn Furukawa Automotive Parts chuyên sản xuất các bộ dây điện có đấu nối và linh kiện cho xe hơi, Công ty trách nhiệm hữu hạn UACJ chuyên chế tạo sản phẩm đúc chính xác từ nhôm cho máy bay.
Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm chỉ đạt khoảng 30%.
Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung, Việt Nam đã có các chính sách tăng cường liên kết doanh nghiệp thông qua các khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Vì thế, điều cốt yếu hiện nay là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao./.