Câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam buộc lòng phải từ chối lời đề nghị hấp dẫn của Tập đoàn điện tử Samsung chỉ vì không thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất linh kiện ốc vít và sạc pin đã khiến dư luận không khỏi giật mình và đặt câu hỏi: Đến khi nào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới thực sự hòa nhịp và bắt kịp với xu hướng phát triển?
Từ đây, dư luận đã liên tưởng tới những yếu kém và hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại ngay trên “sân nhà,” chứ chưa nói tới “ao làng” khu vực hay “biển lớn” toàn cầu.
Còn “chờ” thêm cơ chế
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lý giải, trong phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, sản xuất được sản phẩm và đưa sản phẩm đó vào sử dụng là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Bởi lẽ, sản xuất một linh kiện, một phụ tùng ngoài yêu cầu về chất lượng, còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác về mẫu mã, kiểu dáng, rồi phải tính tới khả năng cạnh tranh về năng suất lao động hay giá thành sản phẩm...
Đây không chỉ là chuyện sản xuất được linh kiện, phụ tùng đó hay không mà là tiêu thụ nó như thế nào?
Tương tự như câu chuyện của Samsung, Bộ trưởng khẳng định là Việt Nam có thể sản xuất được nhiều linh kiện trong đó có cả ốc vít.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết nhiều năm qua, Việt Nam đã làm được và làm với chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm đó vào trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của Tập đoàn Samsung, không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu lại là chuyện khác.
Nếu không đảm bảo được về chi phí (do năng suất thấp) và nếu giá thành cao thì khó có thể len chân được vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, mà chủ yếu với quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ thì Nhà nước phải có nhiều biện pháp, nhiều công cụ để hỗ trợ,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Ngoài những biện pháp hỗ trợ về cơ chế chính sách giúp đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân; giúp định hướng thị trường hay tạo thuận lợi về thuế, về mặt bằng, thuế đất hay về lao động thì Nhà nước cũng cần có những chương trình hợp tác với nước ngoài, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm và thế mạnh về công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, “vai trò của Nhà nước cũng chỉ mang tính chất thúc đẩy, còn quyết định có tham gia được vào công nghiệp hỗ trợ hay không, cuối cùng vẫn là doanh nghiệp,” Bộ trưởng Huy Hoàng khẳng định.
Gần như hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ hỗ trợ đều “than” khó khi tiếp cận vốn vay ưu đãi từ chính sách khuyến khích phát triển theo tinh thần của Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận thực tế này và nhấn mạnh: “Dù Chính phủ và các cấp, ngành rất quan tâm phát triển lĩnh vực công nghệ hỗ trợ, nhưng nó chưa đi vào được cuộc sống với nhiều lý do.” Đó là những ưu đãi và cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đủ sức hấp dẫn để các doanh nghiệp quan tâm, như về thuế, mặt bằng hay về đào tạo, cung cấp thông tin cho thị trường...
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thì “sức khỏe” còn yếu, nếu không có vai trò thúc đẩy, kể cả là sự hỗ trợ trực tiếp về kinh phí thì chắc họ sẽ khó thực hiện được các chủ trương trong chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá việc thực thi Quyết định 12/QĐ-TTg cũng có nhiều vấn đề, nên cần được tiếp tục rà soát, xem xét lại. Nếu các biện pháp hiện hành chưa đủ sức hấp dẫn thì phải nghiên cứu tiếp, ban hành tiếp để tạo sức hấp dẫn cao hơn. Những quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế thì cũng cần phải sửa đổi.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại Quyết định 12 và xây dựng thành một Nghị định, vừa để nâng cấp độ pháp lý của văn bản này, vừa đảm bảo tác động của nó chắc chắn sẽ có ý nghĩa cao hơn một Quyết định.
Nội dung chính của Nghị định mới sẽ là Chính phủ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ như Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp hỗ trợ; ngoài ra, sẽ hình thành quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.
Quan trọng nhất, dự thảo văn bản này sẽ quy định rõ quỹ hỗ trợ được hình thành như thế nào, lấy nguồn vốn từ đâu và việc điều hành quỹ sẽ ra sao. Đây chính là điểm mới của Nghị định so với văn bản pháp luật cũ.
Nhiều khả năng cuối tháng 10, hoặc đầu tháng 11 năm nay, dự thảo Nghị định sẽ được hoàn tất và trình lên Chính phủ. “Tôi tin rằng, khi Nghị định này ra đời sẽ giải quyết được nhiều bất cập trong Quyết định 12/QĐ-TTg của năm 2011,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Mặt khác, để thúc đẩy quan hệ hợp tác với nước ngoài, Việt Nam vừa ký kết với Chính phủ Nhật Bản xây dựng hai khu công nghiệp chuyên sâu phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ. Một khu đặt ở thành phố Bà Rịa, Vũng Tàu và một khu đặt tại thành phố Hải Phòng.
Thông qua hệ thống ngân hàng, đối tác Nhật Bản cũng vừa dành một khoản cho vay khá lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Với phía Hàn Quốc, Việt Nam cũng vừa hợp tác triển khai chương trình xây dựng vườn ươm công nghệ đầu tiên tại thành phố Cần Thơ. Và có thể vườn ươm công nghệ thứ 2 sẽ được xây dựng tại phía Bắc.
Như vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam không chỉ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi trong nước mà còn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ những quốc gia có điều kiện phát triển và bề dày kinh nghiệm.
Thực sự mở cửa khi đủ sức cạnh tranh
Về tương lai của ngành công nghiệp chăn nuôi, ngành công nghiệp sản xuất thép và lĩnh vực kinh doanh phân phối hàng bán lẻ trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu hơn rộng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đàm phán ký kết các hiệp định khu vực mậu dịch tự do với rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, kể cả tới đây Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì những xáo trộn về tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam bởi hàng hóa nước ngoài sẽ không bị tăng nhiều.
Cụ thể là năm 2007 khi gia nhập WTO, Việt Nam xuất khẩu chỉ được hơn 40 tỷ USD và nhập siêu tới 12 tỷ USD, thì sau đó bảy năm, tức là năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu được 133 tỷ USD và có xuất siêu. Năm nay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD và vẫn tiếp tục xuất siêu.
Như vậy, theo Bộ trưởng, việc mở cửa thị trường không chỉ tạo điều kiện để các nước đưa hàng hóa vào Việt Nam, mà còn mang lại nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt đưa thêm nhiều hàng hóa ra nước ngoài.
Bộ trưởng cho biết trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thì mặt hàng nào có thế mạnh, mặt hàng truyền thống hay mang lợi ích cốt lõi như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày... sẽ tăng rất nhanh.
Rõ ràng, thực hiện các cam kết trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 bằng việc mở cửa thị trường sẽ có quan hệ hai chiều như vậy.
Các biện pháp cụ thể để hạn chế hàng nhập khẩu sẽ là cam kết mở cửa, hàng nào vào tự do, hàng nào không được vào và hàng nào được vào nhưng phải có lộ trình...
Bộ trưởng Hoàng tin tưởng rằng, “những biện pháp này vừa góp phần cho doanh nghiệp trong nước từng bước đi lên, vừa giúp tăng khả năng cạnh tranh và dành thời gian để chuẩn bị. Nhưng cũng cần phải tính đến khi khả năng phát triển ở mức độ khá, chúng ta sẽ không phải chỉ đứng chân ở thị trường trong nước mà còn phải vươn ra ngoài.”
Chỉ bảo hộ có thời hạn
Liên quan đến thương vụ chuyển nhượng dự án siêu thị của METRO, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, pháp luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam không cấm các nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng đầu tư cho người khác, trừ một số trường hợp đặc biệt hoặc lĩnh vực nhạy cảm.
“Dù là ai thì đương nhiên, người nhận chuyển nhượng phải cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm tương tự của người chuyển nhượng đã được các cơ quan cấp phép đầu tư quy định. Nghĩa là, dù METRO hay người nhận chuyển nhượng của METRO cũng đều phải thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về các quy định, ràng buộc trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ,” người đứng đầu ngành Công Thương Việt Nam nói.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có những hạn chế về những mặt hàng nhập khẩu thì các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh hệ thống siêu thị cũng không được phép nhập khẩu những mặt hàng này, hoặc chỉ được nhập khẩu rất hạn chế để bán trong hệ thống phân phối của họ ở Việt Nam.
Bộ trưởng Hoàng cho rằng quan trọng nhất, các sản phẩm nông nghiệp hay các sản phẩm tiêu dùng khác sản xuất được trong nước nhưng tạm thời chưa đủ sức cạnh tranh thì sẽ có biện pháp để bảo hộ. Nhưng chỉ bảo hộ có thời hạn và bảo hộ bằng cách dùng các hạn ngạch đối với việc nhập khẩu những hàng hóa tương tự.
"Doanh nghiệp thép lo phá sản là không có cơ sở"
Về việc ký hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích đoàn đàm phán đã phải cân nhắc việc một số sản phẩm thép của Việt Nam đang được sản xuất khá nhiều nhưng khả năng cạnh tranh lại rất kém.
Bộ trưởng cho rằng, để mở cửa thị trường đối với thép cần có lộ trình "từ từ" chứ không phải mở cửa ngay một lúc. Sản phẩm thép có rất nhiều chủng loại, loại thép xây dựng thông thường hiện nay được sản xuất đủ và thừa, nên Việt Nam sẽ đề nghị phía bạn không mở cửa, hoặc mở cửa thì phải có hạn ngạch, hoặc thuế suất cao.
Ngược lại, những sản phẩm thép mà Việt Nam chưa sản xuất được và vẫn phải nhập khẩu trong thời gian khá dài như thép chế tạo, thì sẽ cho phép các đối tác nước ngoài trong đó có liên minh thuế quan được xuất khẩu vào Việt Nam.
“Như vậy, là có lợi cho Việt Nam vì thuế suất thấp, các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thép chế tạo để sản xuất cũng sẽ ra những sản phẩm có giá cả thấp hơn. Đây chính là vấn đề cần được nhìn nhận cho đúng để khẳng định quan điểm “nguy cơ các doanh nghiệp thép nội phá sản là không có cơ sở,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh./.